Báo cáo thường niên hoạt động sở hữu trí tuệ năm 2021

Các nỗ lực ấy thể hiện rõ nét trong công tác xây dựng chính sách, pháp luật về SHTT, mang lại những kết quả thuyết phục. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT đã được Quốc hội Khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp tháng 10/2021 để hoàn thiện và trình Quốc hội để xem xét, thông qua vào Kỳ họp tháng 5/2022. Các nhiệm vụ, giải pháp triển khai Chiến lược SHTT đến năm 2030 theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 tiếp tục được tăng cường, tập trung triển khai theo quy định.

Các hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế về SHTT năm 2021 của Cục SHTT vẫn được triển khai một cách chủ động và tích cực, tiêu biểu là việc gia nhập thành công Hiệp ước Budapest về công nhận quốc tế đối với việc nộp lưu chủng vi sinh trong đăng ký sáng chế, đàm phán thành công nội dung SHTT trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia. Lần đầu tiên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã có chuyến thăm và làm việc tại WIPO trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước tại Thụy Sỹ nhằm trao đổi và thống nhất định hướng hợp tác của Việt Nam với WIPO trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ Chủ tịch AWGIPC nhiệm kỳ 2019-2021 và chuyển giao cho Philippines vào tháng 5/2021.

Trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế, Cục SHTT vẫn củng cố và khuyến khích các hoạt động bảo hộ tài sản trí tuệ của các chủ thể quyền, qua đó góp phần bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh tại Việt Nam. Theo số liệu thống kê, Cục SHTT đã tiếp nhận được 75.410 đơn đăng ký xác lập quyền ở hữu công nghiệp (SHCN); xử lý được 74.559 đơn đăng ký xác lập quyền SHCN (tăng 3,8% so với năm 2020; bằng 98,9% lượng đơn nhận được) và cấp 39.056 văn bằng bảo hộ SHCN các loại. Kết quả này tiếp tục đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, tạo đà cho những phát triển trong tương lai.

Công tác phát triển tài sản trí tuệ tiếp tục được Cục SHTT đặc biệt quan tâm, thúc đẩy. Năm 2021, Cục SHTT đã cấp 12 Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm của Việt Nam. Lần đầu tiên, 02 sản phẩm của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, đó là vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận. Cũng trong năm 2021, biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt, trở thành công cụ quản lý, kiểm soát và là dấu hiệu nhận diện cho người tiêu dùng, công cụ quảng bá sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Bước sang năm 2022, đây không chỉ là năm bản lề thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 mà còn là năm kỷ niệm chặng đường 40 năm thành lập và phát triển của Cục Sở hữu trí tuệ (29/7/1982-29/7/2022). Do đó, bên cạnh việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ thường xuyên, Cục SHTT sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: Tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật SHTT để trình Quốc hội khóa XV thông qua vào tháng 5/2022; tổ chức triển khai có hiệu quả Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030; tích cực, chủ động tham gia các hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế; hoàn thiện, trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt Đề án kiện toàn cơ cấu tổ chức của Cục Sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2015 và tổ chức triển khai Đề án sau khi được phê duyệt; triển khai thành công các dự án công nghệ thông tin và các dự án xây dựng, sửa chữa trụ sở Cục đề tăng cường trang thiết bị và cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu công việc của Cục; đẩy mạnh xây dựng Mạng lưới các trung tâm SHTT (IP-Hub) tại các trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; triển khai các dịch vụ SHTT để chuyển hóa quyền SHTT của doanh nghiệp, tổ chức thành tài sản quan trọng, đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế.

Việc thực hiện thành công các nhiệm vụ nêu trên đòi hỏi sự đoàn kết, nỗ lực của tập thể Lãnh đạo, cán bộ, công chức và người lao động của Cục SHTT, phát huy vai trò hạt nhân của Cục trong toàn hệ thống SHTT của Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển hoạt động khoa học và công nghệ nói riêng và phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung./.

Tải toàn văn Cuốn sách tại đây: Trang đơn/ Trang đôi.

CỤC SỞ HỮU TRÍ TUỆ