Báo cáo thường niên hoạt động sở hữu trí tuệ năm 2018
Năm 2018 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2016 - 2020. Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ và Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Cục Sở hữu trí tuệ đã tập trung xây dựng và triển khai một loạt giải pháp nhằm đổi mới hơn nữa hoạt động sở hữu trí tuệ với mục tiêu tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo đó, năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ đã tiếp nhận 64.894 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 7,9% so với năm 2017); tổ chức xử lý 42.867 đơn (tăng 9,2% so với năm 2017) và cấp 28.966 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp các loại. Công tác xây dựng chính sách và pháp luật về sở hữu trí tuệ tiếp tục được quan tâm với việc tập trung xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ để định hướng cho hoạt động sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong những năm tiếp theo và xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật sở hữu trí tuệ để thi hành các cam kết quốc tế trong Hiệp định CPTPP.
Hoạt động hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ được duy trì tích cực trong khuôn khổ hợp tác đa phương và song phương. Lần đầu tiên trong lịch sử, Đại sứ Dương Chí Dũng - Trưởng Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Geneva đã chủ trì và điều hành phiên họp của Đại hội đồng WIPO năm 2018 với tư cách là Chủ tịch Đại hội đồng sau khi trúng cử vào tháng 9/2017.
Năm 2018 cũng đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong cơ cấu tổ chức của Cục Sở hữu trí tuệ với Quyết định số 2525/QĐ-BKHCN ngày 04/9/2018 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Điều lệ Tổ chức và hoạt động mới của Cục. Theo đó, cơ cấu tổ chức của Cục đã có sự thay đổi đáng kể theo hướng tách bạch các hoạt động quản lý nhà nước và hoạt động sự nghiệp về sở hữu trí tuệ với việc thành lập một loạt các trung tâm hoạt động sự nghiệp, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Các hoạt động chuyên môn khác như đào tạo, tập huấn, tuyên truyền về sở hữu trí tuệ tiếp tục được triển khai có hiệu quả; công tác thông tin sở hữu công nghiệp được duy trì, cơ bản đáp ứng nhu cầu của xã hội trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo; công tác phát triển tài sản trí tuệ được triển khai rộng khắp trên cả nước thông qua Chương trình phát triển tài sản trí tuệ ở Trung ương do Cục Sở hữu trí tuệ chủ trì thực hiện và các chương trình phát triển tài sản trí tuệ của địa phương, góp phần quan trọng đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ đắc lực đối với sự phát triển của các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội và các địa phương.
Bên cạnh đó, một loạt các hoạt động sở hữu trí tuệ cũng được Cục triển khai nhằm hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, xây dựng thương hiệu và phát triển các sản phẩm chủ lực của quốc gia, ngành và địa phương theo chuỗi giá trị, đồng thời cải thiện Chỉ số đổi mới sáng tạo và Chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia. Năm 2019 được Chính phủ xác định là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016 -2020. Với mục tiêu cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và tận dụng có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm gồm: Hoàn thiện dự thảo Chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ để trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2019; tập trung hoàn thiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ thi hành Hiệp định CPTPP để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5/2019 và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật sở hữu trí tuệ; tiếp tục chủ động tham gia đàm phán nội dung sở hữu trí tuệ trong các FTA, tích cực tham gia hoạt động hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ, đặc biệt là thực hiện tốt vai trò Chủ tịch Đại hội đồng WIPO nhiệm kỳ 2018 -2019, tiếp nhận và đảm nhiệm tốt nhiệm vụ Chủ tịch Nhóm Công tác về Hợp tác sở hữu trí tuệ các nước ASEAN (AWGIPC) nhiệm kỳ 2019- 2021 và hoàn tất thủ tục gia nhập Thỏa ước La-hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp.
Bên cạnh đó, Cục sẽ phối hợp chặt chẽ với WIPO triển khai Dự án Phát triển hệ thống quản trị đơn sở hữu công nghiệp điện tử (WIPO IPAS) để đưa vào vận hành đầy đủ từ Quý I năm 2020 và xây dựng Hệ thống dịch vụ công trực tuyến đạt cấp độ 4 theo yêu cầu tại Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử để nâng cao năng lực tiếp nhận, xử lý các loại đơn sở hữu công nghiệp.
Để thực hiện thành công các nhiệm vụ nêu trên, đòi hỏi sự đoàn kết, nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Cục nhằm phát huy đầy đủ vai trò, giá trị của sở hữu trí tuệ trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung./.
Báo cáo thường niên hoạt động sở hữu trí tuệ năm 2018 có thể tải về tại đây.
Cục Sở hữu trí tuệ
Latest news title
- Báo cáo thường niên hoạt động sở hữu trí tuệ năm 2023
- Số liệu thống kê phục vụ Báo cáo thường niên hoạt động sở hữu trí tuệ năm 2023
- Báo cáo thường niên hoạt động sở hữu trí tuệ năm 2022
- Số liệu thống kê phục vụ Báo cáo thường niên hoạt động sở hữu trí tuệ năm 2022
- Cục Sở hữu trí tuệ: 40 năm xây dựng và phát triển
Other news
- Báo cáo thường niên hoạt động sở hữu trí tuệ từ 2005-2018
- Số liệu thống kê về sở hữu trí tuệ năm 2018
- Báo cáo thường niên hoạt động sở hữu trí tuệ năm 2017
- Báo cáo thường niên hoạt động sở hữu trí tuệ năm 2016
- Thống kê số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp và văn bằng bảo hộ cấp ra của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2016