Thu, 15/06/2023 | 14:41 PM

View with font size Read content Change contract

Báo cáo thường niên hoạt động sở hữu trí tuệ năm 2022

Năm 2022, dưới sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã tập trung phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo khắc phục khó khăn để đạt được những kết quả đáng khích lệ trên tất cả các lĩnh vực hoạt động.

Bước qua đại dịch COVID-19 và vượt qua những biến động, khó khăn hậu đại dịch, kinh tế Việt Nam bắt đầu phục hồi với kết quả ấn tượng: kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cán cân thương mại trọng yếu được bảo đảm. Điểm sáng nổi bật là GDP năm 2022 tăng 8,02% cao hơn so với mục tiêu đề ra là 6-6,5%, đạt mức tăng cao nhất kể từ năm 2011 đến nay. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước - cao nhất trong 5 năm qua. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 732,5 tỷ USD với mức xuất siêu 11,2 tỷ USD (tăng 7,88 tỷ USD so với năm 2021).1

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc khóa XIII và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 đã khẳng định, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cùng với phát triển nguồn nhân lực là 1 trong 3 đột phá chiến lược, nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030.

Trong bối cảnh đó, dưới sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã tập trung phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo khắc phục khó khăn để đạt được những kết quả đáng khích lệ trên tất cả các lĩnh vực hoạt động.

Kết quả nổi bật nhất thể hiện trong công tác xây dựng chính sách, pháp luật về SHTT, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT đã được Quốc hội Khóa XV chính thức thông qua ngày 16/6/2022, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2023. Đây được đánh giá là lần sửa đổi toàn diện nhất từ trước đến nay với 102 điều được sửa đổi, bổ sung nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động sử dụng và bảo vệ quyền SHTT. Luật được kỳ vọng không chỉ góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng các kết quả đột phá của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà còn giúp hoạt động này tiệm cận hơn với thực tiễn và thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, công tác đàm phán, ký kết, phê chuẩn và bảo đảm thi hành các điều ước quốc tế về SHTT tiếp tục được đẩy mạnh. Các nhiệm vụ, giải pháp triển khai Chiến lược SHTT đến năm 2030 tiếp tục được chú trọng triển khai, trong đó tập trung hướng tới mục tiêu gia tăng tài sản trí tuệ mới của cá nhân, tổ chức Việt Nam cả về số lượng và chất lượng, cải thiện các chỉ số về SHTT của Việt Nam trong chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế thông qua các khuôn khổ đa phương và song phương về SHTT năm 2022 được triển khai tích cực với những điểm nhấn đáng khích lệ thể hiện qua kết quả các chuyến công tác, làm việc cấp cao của Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và chuyến thăm, làm việc của Phó Tổng Giám đốc WIPO Hasan Kleib tại Việt Nam. Nhiều chương trình, hoạt động hợp tác giữa hai bên đã được ký kết, triển khai: Biên bản ghi nhớ hợp tác về triển khai Chiến lược SHTT quốc gia, Dự án Xây dựng Mạng lưới các Trung tâm Hỗ trợ Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Dự án Xây dựng môi trường kiến tạo về SHTT; Dự án Mạng lưới trực tuyến dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp, v.v. Cùng với đó, hoạt động hợp tác song phương với các đối tác truyền thống (Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh…) tiếp tục được đẩy mạnh.   

Công tác đảm bảo hệ thống xác lập quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Cục SHTT nhằm góp phần thúc đẩy môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh tại Việt Nam. Năm 2022, Cục SHTT đã tiếp nhận 140.903 đơn các loại (tăng 7,1% so với năm 2021), xử lý được 113.906 đơn các loại (giảm 12,2% so với năm 2021 do ảnh hưởng của một số nguyên nhân khách quan); cấp 42.279 văn bằng bảo hộ SHCN (tăng 8,3% so với năm 2021). Tổng số phí, lệ phí SHCN thu được đạt 365 tỷ đồng (tăng 6% so với năm 2021 và tăng 6% so với kế hoạch). Cục đã và đang tiếp tục thực hiện các giải pháp quyết liệt nhằm khắc phục những khó khăn, trở ngại, đẩy nhanh công tác xử lý đơn, từng bước giải quyết tình trạng tồn đọng đơn như: đảm bảo hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin, đưa vào sử dụng “Thư viện số về SHCN trên nền tảng WIPO Publish” thay cho các công cụ tra cứu IPLIB trước đây; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và nâng cao chất lượng hoạt động tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.  

Công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT được đẩy mạnh triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng, bài bản và có chiều sâu hơn, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu trang bị kiến thức, thông tin SHTT của các nhóm chủ thể khác nhau trong xã hội, đặc biệt là hướng tới thế hệ trẻ.

Công tác phát triển tài sản trí tuệ năm 2022 tiếp tục được Cục SHTT quan tâm, chú trọng nhằm thực hiện tốt các mục tiêu đề ra trong Chiến lược SHTT quốc gia và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn đến năm 2030. Cục SHTT đã phát huy tốt vai trò đầu mối trong việc hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương xây dựng, ban hành và triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ. Đã có 57/63 tỉnh, thành phố ban hành chương trình phát triển tài sản trí tuệ sử dụng nguồn ngân sách địa phương; 27 nhiệm vụ đã được phê duyệt từ nguồn ngân sách Trung ương cho các nội dung nâng cao nhận thức về SHTT cho các nhà khoa học; nâng cao năng lực xử lý các vụ việc về SHTT cho cán bộ ngành tư pháp; đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực có tiềm năng xuất khẩu. Ngoài ra, các hoạt động thực hiện Kế hoạch phối hợp giữa 3 Bộ: Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài cũng đã được tổ chức thực hiện một cách tích cực nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển và đồng hành với họ trên con đường khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.

Năm 2022 là năm có ý nghĩa đặc biệt đối với toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Cục SHTT, đánh dấu chặng đường 40 năm thành lập và phát triển của Cục (29/7/1982-29/7/2022). Mặc dù còn một số tồn tại, khó khăn nhất định nhưng có thể khẳng định rằng các thành tựu đã đạt được nói chung và kết quả công tác năm 2022 nói riêng đã thể hiện sự trưởng thành, vững mạnh của Cục SHTT; thể hiện vai trò, vị thế của một cơ quan SHTT trong hệ thống SHTT quốc gia và quốc tế.

Trong năm 2023, bên cạnh việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ thường xuyên, Cục SHTT sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: Tổ chức triển khai thực hiện Đề án kiện toàn cơ cấu tổ chức và nhân lực của Cục giai đoạn 2021-2026 sau khi được phê duyệt; Tiếp tục hoàn thiện và trình ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT; Tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp đẩy nhanh tiến trình xử lý đơn, nghiên cứu xây dựng Bộ phận kiểm soát chất lượng thẩm định đơn SHCN; Tiếp tục giữ vai trò đầu mối tổ chức triển khai có hiệu quả Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030; tích cực, chủ động tham gia các hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế, thi hành có hiệu quả nội dung SHTT trong các Hiệp định thương mại quốc tế; Hoàn thành Dự án hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin; xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức 4; đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin vận hành ổn định, tạo lập các cơ sở dữ liệu đầy đủ, tin cậy để phục vụ công tác thẩm định đơn đăng ký SHCN và nhu cầu tra cứu thông tin của xã hội;  Triển khai các dịch vụ SHTT để chuyển hóa quyền SHTT của doanh nghiệp, tổ chức thành tài sản quan trọng, đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế.

Cục SHTT tin tưởng rằng với sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ, sự phối hợp, thống nhất trong Đảng ủy, Lãnh đạo Cục và các tổ chức chính trị - xã hội của Cục, sự quyết tâm, đoàn kết, nỗ lực, tuân thủ kỷ luật, kỷ cương vì mục tiêu chung của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Cục sẽ đạt được các mục tiêu đề ra trong năm 2023, phát huy tốt vai trò hạt nhân của Cục trong hệ thống SHTT quốc gia, góp phần thúc đẩy sự phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới - sáng tạo và kinh tế - xã hội của đất nước./.

 

Tải toàn văn Cuốn sách tại đây: Trang đơnTrang đôi.

CỤC SỞ HỮU TRÍ TUỆ

 

 

[1] https://vneconomy.vn/toan-canh-buc-tranh-kinh-te-viet-nam-nam-2022.htm