Sat, 01/12/2018 | 09:57 AM
Báo cáo thường niên hoạt động sở hữu trí tuệ năm 2017
Năm 2017 có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2016 - 2020.
Năm 2017 có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2016 - 2020. Để triển khai chủ trương của Đảng, Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ về đổi mới hơn nữa hoạt động sở hữu trí tuệ nhằm phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế mà trọng tâm là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp để phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh, nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy sự phát triển của công nghệ và đổi mới sáng tạo, Cục Sở hữu trí tuệ đã tập trung xây dựng và triển khai nhiệm vụ được đề ra trong các chương trình hành động của Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm thực hiện nghị quyết số 01/NQ-CP và các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ để đưa sở hữu trí tuệ thực sự trở thành công cụ hữu hiệu hỗ trợ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực kinh tế, đặc biệt đối với phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo; hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia; phát triển các sản phẩm công nghệ cao và các sản phẩm chủ lực của quốc gia, ngành và địa phương theo chuỗi giá trị; thực hiện hỗ trợ bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ và cải thiện Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam.
Kết quả, năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận 58.877 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 1,1% so với năm 2016); tổ chức xử lý 39.250 đơn (tăng 1% so với năm 2016) và cấp 28.314 văn bằng bảo hộ (tăng 9,3% so với năm 2016). Có thể nói, công tác tiếp nhận và xử lý đơn sở hữu công nghiệp của Cục đang từng bước đáp ứng nhu cầu của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong và ngoài nước. Công tác xây dựng chính sách và pháp luật về sở hữu trí tuệ được quan tâm với việc tập trung tổ chức tổng kết 10 năm thi hành Luật Sở hữu trí tuệ và xây dựng dự thảo Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia. Công tác hợp tác và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều hoạt động quan trọng diễn ra trong năm như: Tham gia đàm phán nội dung sở hữu trí tuệ trong Hiệp định RCEP, Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA; hoàn thành các thủ tục trình Chủ tịch Nước phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định TRIPS; tổ chức tiếp đón Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) thăm chính thức Việt Nam và ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và WIPO trong việc hỗ trợ Việt Nam xây dựng Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia; chủ trì tổ chức thành công các hội nghị về sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ Năm APEC Việt Nam năm 2017. Đặc biệt, trong năm 2017, Đại sứ Dương Chí Dũng - Trưởng Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Geneva - đã được tất cả các nước thành viên bầu làm Chủ tịch Đại hội đồng WIPO nhiệm kỳ 2018 - 2019. Công tác đào tạo, tập huấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật tiếp tục được triển khai có hiệu quả, cho nhiều đối tượng khác nhau; công tác nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh, tạo cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ và công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo Cục; công tác thông tin sở hữu công nghiệp được duy trì, cơ bản đáp ứng nhu cầu của xã hội trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tiếp tục được triển khai, là cơ sở và hình mẫu cho việc xây dựng và triển khai chương trình phát triển tài sản trí tuệ của các ngành, địa phương.
Năm 2018 sẽ là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế và xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, bên cạnh việc thực hiện tốt các công tác thường xuyên, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tập trung triển khai một số công việc trọng tâm, gồm: Hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia nhằm định hướng cho hoạt động của hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam nói chung và của Cục Sở hữu trí tuệ nói riêng trong giai đoạn tới; kiện toàn cơ cấu tổ chức và đội ngũ cán bộ của Cục theo điều lệ mới được ban hành; cải tổ hệ thống công nghệ thông tin, tăng cường nguồn nhân lực, trang thiết bị và cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu công việc của Cục; triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển tài sản trí tuệ, xây dựng Mạng lưới các trung tâm sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ tại các trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp; triển khai các dịch vụ sở hữu trí tuệ để chuyển hóa quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp, tổ chức thành tài sản quan trọng, đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế. Để thực hiện thành công các nhiệm vụ nêu trên, đòi hỏi sự đoàn kết, nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức và người lao động của Cục Sở hữu trí tuệ nhằm phát huy vai trò hạt nhân của Cục trong toàn hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển hoạt động khoa học và công nghệ nói riêng và phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.
Báo cáo thường niên hoạt động sở hữu trí tuệ năm 2017 có thể tải về tại đây.
Cục Sở hữu trí tuệ
Latest news title
- Báo cáo thường niên hoạt động sở hữu trí tuệ năm 2023
- Số liệu thống kê phục vụ Báo cáo thường niên hoạt động sở hữu trí tuệ năm 2023
- Báo cáo thường niên hoạt động sở hữu trí tuệ năm 2022
- Số liệu thống kê phục vụ Báo cáo thường niên hoạt động sở hữu trí tuệ năm 2022
- Cục Sở hữu trí tuệ: 40 năm xây dựng và phát triển
Other news
- Báo cáo thường niên hoạt động sở hữu trí tuệ năm 2016
- Thống kê số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp và văn bằng bảo hộ cấp ra của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2016
- Báo cáo thường niên hoạt động sở hữu trí tuệ năm 2015
- Báo cáo tổng quan về hoạt động quản lý sở hữu trí tuệ năm 2015
- Báo cáo thường niên hoạt động sở hữu trí tuệ năm 2014