Th 2, 06/02/2023 | 14:45 CH
Chỉ số Đổi mới sáng tạo sáng tạo Toàn cầu 2022
Thụy Sĩ, Hoa Kỳ và Thụy Điển dẫn đầu Bảng xếp hạng Đổi mới sáng tạo sáng tạo Toàn cầu; Trung Quốc Tiếp Cận Top 10; Ấn Độ và Thổ nhĩ kỳ đang tăng tốc nhanh chóng; Cần đổi mới sáng tạo sáng tạo dựa trên tác động trong thời kỳ hỗn loạn
Thụy Sĩ, Hoa Kỳ, Thụy Điển, Vương quốc Anh và Hà Lan là những nền kinh tế đổi mới sáng tạo nhất thế giới, theo Chỉ số Đổi mới sáng tạo Toàn cầu (GII) năm 2022 của WIPO, với Trung Quốc nằm trong top 10. Các nền kinh tế mới nổi khác cũng đang thể hiện các thành tích mạnh mẽ một cách nhất quán, bao gồm cả Ấn Độ và Thổ nhĩ kỳ, cả hai đều lần đầu tiên lọt vào top 40.
Báo cáo cho thấy rằng nghiên cứu và phát triển (R&D) và các khoản đầu tư khác thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trên toàn thế giới tiếp tục bùng nổ vào năm 2021 bất chấp đại dịch COVID-19, nhưng những thách thức đang nổi lên trong việc biến các khoản đầu tư đổi mới sáng tạo thành tác động.
Chỉ số GII cho thấy rằng tăng trưởng năng suất - thường được thúc đẩy bởi sự gia tăng đổi mới sáng tạo - trên thực tế đã bị đình trệ. Báo cáo cũng phản ánh rằng tiến bộ và sự tiếp nhận công nghệ hiện tại có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại mặc dù chi tiêu R&D và đầu tư vốn mạo hiểm gần đây đã gia tăng. Tuy nhiên, với việc nuôi dưỡng cẩn thận và chu đáo hơn đối với các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, một kỷ nguyên mới của tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo được dẫn dắt bởi các làn sóng đổi mới sáng tạo của Thời đại kỹ thuật số và Khoa học sâu có thể cất cánh.
“GII năm nay cho thấy rằng sự đổi mới sáng tạo đang ở ngã ba đường khi chúng ta thoát khỏi đại dịch. Mặc dù các khoản đầu tư vào đổi mới sáng tạo tăng mạnh trong năm 2020 và 2021, nhưng triển vọng cho năm 2022 không chỉ bị che mờ bởi những bất ổn toàn cầu mà còn do năng suất dựa vào đổi mới sáng tạo tiếp tục kém hiệu quả. Đây là lý do tại sao chúng ta cần chú ý nhiều hơn đến việc không chỉ đầu tư vào đổi mới sáng tạo, mà cả cách đổi mới sáng tạo biến thành tác động kinh tế và xã hội. Chất lượng và giá trị sẽ trở nên quan trọng đối với thành công giống như số lượng và quy mô.”
- Tổng giám đốc WIPO Daren Tang
Những nét chính của GII:
• Các doanh nghiệp chi tiêu cho R&D hàng đầu toàn cầu đã tăng chi tiêu cho R&D của họ gần 10% lên hơn 900 tỷ USD vào năm 2021, cao hơn so với năm 2019 trước đại dịch. Sự gia tăng này chủ yếu đến từ bốn ngành: phần cứng công nghệ thông tin và thiết bị điện; Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông; dược phẩm và công nghệ sinh học; và xây dựng và kim loại công nghiệp.
• Đầu tư vào R&D toàn cầu năm 2020 tăng với tỉ lệ 3,3%, nhưng chậm lại so với tốc độ tăng trưởng R&D cao lịch sử 6,1% được ghi nhận vào năm 2019. Ngân sách chính phủ phân bổ cho các nền kinh tế dẫn đầu về chi tiêu cho R&D cho thấy mức tăng trưởng mạnh vào năm 2020. Đối với ngân sách R&D của chính phủ năm 2021, bức tranh toàn cảnh là đa dạng hơn, với chi tiêu tăng ở Hàn Quốc và Đức, nhưng giảm ở Mỹ và Nhật Bản.
• Các giao dịch đầu tư mạo hiểm (VC) bùng nổ 46% vào năm 2021, đạt mức kỷ lục tương đương với những năm bùng nổ internet vào cuối những năm 1990. Khu vực Châu Mỹ Latinh và Ca-ri-bê và Châu Phi chứng kiến mức tăng trưởng VC mạnh nhất. Tuy nhiên, triển vọng của VC cho năm 2022 lắng hơn; việc thắt chặt chính sách tiền tệ và sự ảnh hưởng đến vốn mạo hiểm sẽ dẫn đến sự giảm tốc trong VC.
Trong bảng xếp hạng thường niên các nền kinh tế thế giới về năng lực và sản phẩm đầu ra đổi mới sáng tạo, GII cho thấy một số thay đổi quan trọng trong top 15 của bảng xếp hạng, với Hoa Kỳ leo lên vị trí thứ 2, Hà Lan lên vị trí thứ 5, Singapore lên vị trí thứ 7, Đức vươn lên vị trí thứ 8 và Trung Quốc tăng một bậc lên vị trí thứ 11 và gần lọt vào top 10.
Canada trở lại top 15 các quốc gia đổi mới sáng tạo hàng đầu toàn cầu (thứ 15). Thổ nhĩ kỳ (thứ 37) và Ấn Độ (thứ 40) lần đầu tiên lọt vào top 40. Ngoài những nước này, Việt Nam (thứ 48), Cộng hòa Hồi giáo Iran (thứ 53) và Philippines (thứ 59) là những nền kinh tế thu nhập trung bình có tốc độ tăng trưởng hiệu suất đổi mới sáng tạo nhanh nhất cho đến nay.
Xếp hạng toàn cầu: https://www.wipo.int/edocs/pubdocs/en/wipo-pub-2000-2022-section3-en-gii-2022-results-global-innovation-index-2022-15th-edition.pdf
1. Thụy Sĩ (Số 1 năm 2021) 2. Hoa Kỳ (3) 3. Thụy Điển (2) 4. Vương quốc Anh (4) 5. Hà Lan (6) 6. Hàn Quốc (5) 7. Singapore (8) 8. Đức (10) 9. Phần Lan (7) 10. Đan Mạch (9) 11. Trung Quốc (12) 12. Pháp (11) 13. Nhật Bản (13) 14. Đặc khu Hành chính Hồng Kông, Trung Quốc (14) 15. Ca-na-đa (16) 16. Israel (15) 17. Áo (18) 18. Estonia (21) 19. Luxemburg (23) 20. Ai-xơ-len (17) |
Một số nền kinh tế đang phát triển đang thực hiện trên mức mong đợi về đổi mới sáng tạo so với mức độ phát triển kinh tế của họ, trong đó có cả những thành viên mới Indonesia, Uzbekistan và Pakistan. Tám quốc gia có thành tích vượt trội về đổi mới sáng tạo đến từ châu Phi cận Sahara, dẫn đầu là Kenya, Rwanda và Mozambique. Ở Mỹ Latinh và Caribe, Brazil, Peru và Jamaica đang phát triển vượt trội so với mức phát triển.
“Với sự gia tăng về hiệu suất đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị sốc, Thổ nhĩ kỳ và Ấn Độ đang tích cực làm phong phú thêm toàn cảnh đổi mới sáng tạo toàn cầu, trong khi Indonesia cho thấy tiềm năng đổi mới sáng tạo đầy hứa hẹn,” đồng biên tập viên GII - Trưởng khoa của Trường Kinh doanh Saïd, Đại học Oxford, Soumitra Dutta bày tỏ. “Các nhà vô địch khu vực khác như Chile và Brazil ở Châu Mỹ Latinh, Nam Phi và Bôt xoa na ở Châu Phi cận Sahara, đã cải thiện hiệu suất đổi mới sáng tạo tương đối của họ.”
Các quốc gia dẫn đầu toàn cầu về đổi mới sáng tạo vào năm 2022
Top 3 các nền kinh tế đổi mới sáng tạo theo khu vực
Bắc Mỹ
Bắc Mỹ, bao gồm Hoa Kỳ và Canada. Hoa Kỳ leo lên vị trí thứ 2, trong khi Canada ở phía sau trong số top 15 nước đổi mới sáng tạo hàng đầu toàn cầu, tiến lên vị trí thứ 15.
Hoa Kỳ đạt điểm cao nhất thế giới ở 15 trong số 81 chỉ số đổi mới sáng tạo GII 2022, bao gồm các nhà đầu tư R&D của công ty toàn cầu, nhà đầu tư vốn mạo hiểm, chất lượng của các trường đại học, chất lượng và tác động của các ấn phẩm khoa học cũng như giá trị của cường độ tài sản vô hình của công ty. Canada đạt điểm cao nhất trong lĩnh vực nhận vốn mạo hiểm, liên doanh và giao dịch liên minh chiến lược và chi tiêu cho phần mềm máy tính.
Châu Âu
Châu Âu – tiếp tục có số lượng lớn nhất các quốc gia hàng đầu về đổi mới sáng tạo – tổng cộng 15 nước – nằm trong top 25. Trong số 39 nền kinh tế châu Âu được khảo sát, 12 nền kinh tế tăng thứ hạng trong năm nay: Hà Lan (5), Đức (8), Áo (17), Estonia (18), Luxembourg (19), Malta (21), Ý (28), Tây Ban Nha (29), Ba Lan (38), Hy Lạp (44), Cộng hòa Moldova (56) và Bosnia và Hercegovina (70).
Thụy Sĩ vẫn dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo trong năm thứ 12 liên tiếp. Quốc gia này dẫn đầu toàn cầu về đầu ra của đổi mới sáng tạo, và đặc biệt là bằng sáng chế theo xuất xứ, chi tiêu cho phần mềm, sản xuất công nghệ cao và độ phức tạp trong sản xuất và xuất khẩu. Thụy Điển (3) lên dẫn đầu về cơ sở hạ tầng và mức độ phức tạp trong kinh doanh trên toàn thế giới, dẫn đầu về các chỉ số như nhà nghiên cứu, chi tiêu cho R&D và việc làm thâm dụng tri thức.
Đức đạt thứ hạng cao nhất của mình kể từ năm 2009 sau khi lọt vào top 10 vào năm 2016, dẫn đầu toàn cầu về các nhà đầu tư R&D doanh nghiệp toàn cầu. Estonia đã đạt được những tiến bộ đáng chú ý trong năm nay, lọt vào top 20 và đạt hiệu suất dẫn đầu toàn cầu về các chỉ số giao dịch đầu tư mạo hiểm, nhập khẩu dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông, thành lập doanh nghiệp mới và tạo ứng dụng di động.
Đông Nam Á, Đông Á và Châu Đại Dương
Hai nền kinh tế khu vực Đông Nam Á, Đông Á và Châu Đại Dương (SEAO) nằm trong top 10 nền kinh tế đổi mới sáng tạo toàn cầu - Hàn Quốc (6) và Singapore (7); và năm quốc gia khác nằm trong top 25 - Trung Quốc (11), Nhật Bản (13), Hong Kong, Trung Quốc (14), New Zealand (24) và Australia (25). Singapore, Trung Quốc và New Zealand đã cải thiện thứ hạng của họ trong năm nay.
Trong khu vực nói chung, Việt Nam (thứ 48), Philippines (59), Indonesia (75), Campuchia (97) và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (112) đã đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua. Các nền kinh tế này cũng dẫn đầu về các chỉ số đổi mới sáng tạo chủ chốt. Việt Nam dẫn đầu thế giới về nhập khẩu công nghệ cao và Philippines về xuất khẩu công nghệ cao.
Indonesia đã có một bước nhảy vọt trong năm nay, đạt được vị trí tốt nhất của mình kể từ năm 2012. Nước này dẫn đầu thế giới về chính sách và văn hóa khởi nghiệp, đồng thời đã có những cải thiện đáng chú ý về các mối liên kết Đổi mới sáng tạo và Tài sản vô hình, hoạt động tốt ở các chỉ số như tài chính cho khởi nghiệp và mở rộng quy mô, và cường độ tài sản vô hình của công ty.
Trung và Nam Á
Ấn Độ (40) dẫn đầu khu vực và lọt vào top 40, sau khi lọt vào top 50 vào năm 2020. Cộng hòa Hồi giáo Iran (53) và Uzbekistan (82) theo sau.
Ấn Độ là quốc gia dẫn đầu về đổi mới sáng tạo trong nhóm thu nhập trung bình thấp. Quốc gia này tiếp tục dẫn đầu thế giới về xuất khẩu dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông và giữ thứ hạng cao nhất trong các chỉ số khác, bao gồm giá trị nhận vốn đầu tư mạo hiểm, tài chính cho khởi nghiệp và mở rộng quy mô, sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học và kỹ thuật, tăng trưởng năng suất lao động và đa dạng hóa ngành công nghiệp trong nước.
Cộng hòa Hồi giáo Iran chiếm vị trí thứ 3 trong nhóm có thu nhập trung bình thấp và thực hiện đổi mới sáng tạo trên mức mong đợi về mức độ phát triển trong năm thứ hai liên tiếp. Quốc gia này dẫn đầu trên toàn thế giới về các chỉ số như đơn đăng ký nhãn hiệu và sinh viên tốt nghiệp về khoa học và kỹ thuật.
Uzbekistan tăng 4 bậc; lần đầu tiên vượt trội về đổi mới sáng tạo so với phát triển vào năm 2022.
Sri Lanka (85), Pakistan (87) và Bangladesh (102) đã tăng hạng trong năm nay. Tuy nhiên, chỉ có Pakistan là có được vị thế một cách đều đặn theo thời gian.
Bắc Phi và Tây Á
Israel (16), Síp (27), Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) (31) dẫn đầu khu vực này về đổi mới sáng tạo sáng tạo.
Israel đã dẫn đầu về đổi mới sáng tạo trong 15 năm qua. Nước này dẫn đầu thế giới về các giao dịch đầu tư mạo hiểm, phụ nữ được tuyển dụng với trình độ cao, các đơn đăng ký sáng chế quốc tế nộp theo Hiệp ước Hợp tác Bằng sáng chế (PCT) của WIPO trên tổng sản phẩm quốc nội và xuất khẩu dịch vụ công nghệ thông tin theo tỷ trọng tổng giao dịch thương mại.
UAE tiến gần hơn đến top 30 và tiếp tục xếp hạng trong top 5 về số lượng nhà nghiên cứu trong các doanh nghiệp và R&D do khu vực tư nhân tài trợ.
Thổ nhĩ kỳ (37) lọt vào top 40. Quốc gia này đứng thứ 4 trên toàn thế giới về tài sản vô hình, thể hiện những thế mạnh đáng chú ý về kiểu dáng công nghiệp, đơn đăng ký nhãn hiệu và cường độ tài sản vô hình của công ty.
Thêm 10 nền kinh tế trong khu vực thăng hạng, trong đó có những quốc gia cải thiện đáng chú ý là Ả Rập Xê Út (51), Qatar (52), Kuwait (62), Maroc (67) và Bahrain (72).
Mỹ Latinh và Caribe
Chile (50) – quốc gia Mỹ Latinh duy nhất trong top 50 – dẫn đầu khu vực Mỹ Latinh và Caribe, tiếp theo là Brazil (54) – thành viên mới trong top 3 của khu vực – và Mexico (58). Costa Rica (68) rớt khỏi top 3 khu vực.
Chile xếp hạng tốt trong tuyển sinh đại học và các doanh nghiệp mới. Brazil đã có những cải thiện rõ rệt về kết quả đầu ra của đổi mới sáng tạo, đáng chú ý là kết quả đầu ra sáng tạo như tài sản vô hình và sáng tạo trực tuyến, cũng như trong đơn đăng ký nhãn hiệu và tạo ứng dụng di động. Mexico dẫn đầu về các chỉ số như xuất khẩu hàng hóa sáng tạo, xuất nhập khẩu công nghệ cao.
Tám trong số 18 nền kinh tế nằm trong khu vực đã tăng thứ hạng. Colombia (63), Peru (65), Argentina (69) và Cộng hòa Dominica (90) đều có thứ hạng tăng đáng kể trong năm nay. Peru đáng chú ý vì nước này tự khẳng định mình là nước dẫn đầu toàn cầu trong năm nay về các chỉ số như khả năng cho vay từ các tổ chức tài chính vi mô, sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học và kỹ thuật và đơn đăng ký mẫu hữu ích. Peru, Brazil và Jamaica (76) cũng đạt thành tích đổi mới sáng tạo trên mức mong đợi đối với mức độ phát triển của họ.
Châu Phi cận Sahara lục địa
Nam Phi (61) dẫn đầu khu vực, tiếp theo là Botswana (86) và Kenya (88). Mười sáu nền kinh tế trong khu vực đã tăng thứ hạng GII. Ngoài Mauritius và Botswana, Ghana (95), Senegal (99), Zimbabwe (107), Ethiopia (117) và Angola (127) có những cải thiện đáng chú ý.
Nam Phi đứng đầu về vốn hóa thị trường, trong khi Botswana thể hiện tốt ở các chỉ số như khoản vay từ các tổ chức tài chính vi mô và thanh toán tài sản trí tuệ. Namibia (thứ 96) dẫn đầu thế giới về chi tiêu cho giáo dục và đạt thành tích cao hơn mức trung bình của khu vực về vốn nhân lực và nghiên cứu.
Châu Phi cận Sahara là khu vực có số lượng lớn nhất các nền kinh tế hoạt động vượt trội về đổi mới sáng tạo sáng tạo (8), trong đó Kenya giữ kỷ lục về hoạt động vượt trội trong 12 năm liên tiếp. Rwanda (105) và Mozambique (123) cũng liên tục hoạt động vượt trội.
Burundi (130) quay trở lại GII năm nay nhờ sự sẵn có dữ liệu được cải thiện, trong khi Mauritania (129) lần đầu tiên tham gia GII.
Trọng tâm chủ đề của GII 2022 đặt câu hỏi: Tương lai của tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo sáng tạo là gì?
GII 2022 phác thảo khả năng của hai làn sóng đổi mới sáng tạo mới: (i) làn sóng đổi mới sáng tạo Thời đại Kỹ thuật số được xây dựng trên siêu máy tính, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa, đang trên đà tạo ra những tác động mạnh mẽ đến năng suất trên khắp các ngành và lĩnh vực nghiên cứu khoa học, và (ii) làn sóng đổi mới sáng tạo Khoa học sâu được xây dựng dựa trên những đột phá trong công nghệ sinh học, công nghệ nano, vật liệu mới và các ngành khoa học khác, đang cách mạng hóa những đổi mới sáng tạo trong bốn lĩnh vực có tầm quan trọng chủ chốt đối với xã hội: Sức khỏe, Thực phẩm, Môi trường và Di động.
Tuy nhiên, GII 2022 cảnh báo rằng những tác động tích cực của hai làn sóng mới này sẽ cần thời gian để hiện thực hóa; nhiều trở ngại, đặc biệt là trong lĩnh vực tiếp nhận và phổ biến công nghệ, phải được khắc phục trước tiên.
“Năng suất là cốt lõi của những gì chúng ta muốn ở xã hội và nền kinh tế của chúng ta ngày mai, đặc biệt nếu chúng ta muốn kết hợp mức độ bình đẳng cao hơn trong khi sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lý hơn. Một cuộc cách mạng thực sự đang điều khiển sự đổi mới sáng tạo ngày nay, được hướng dẫn bởi các làn sóng của Thời đại kỹ thuật số và Khoa học sâu. Chúng ta có trách nhiệm tập thể là rút ra bài học từ các cuộc khủng hoảng gần đây để đưa cuộc cách mạng này đi đúng đường và hướng nó đến tương lai mà chúng ta mong muốn.”
- Đồng biên tập GII và Đồng sáng lập Viện Portulans Bruno Lanvin
Nguồn: Wipo.int
Người dịch: Nguyễn Nhật Quang
Tin mới nhất
- Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy tham dự Đại hội đồng WIPO 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ đăng cai tổ chức Cuộc họp lần thứ 72 AWGIPC và các sự kiện bên lề diễn ra từ ngày 22-26/4/2024 tại Đà Nẵng và Huế
- Mạng lưới các Trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (TISC) - Nền tảng quan trọng thúc đẩy nghiên cứu hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững
- Hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững: Vai trò của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới
- Hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới - IPDAY 2024: Sở hữu trí tuệ thúc đẩy đổi mới và sáng tạo - Hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc
Các tin khác
- Thí sinh Việt Nam đạt giải cuộc thi ASEAN về thiết kế áp phích kỹ thuật số do ANIEE tổ chức
- Cục Sở hữu trí tuệ tham dự cuộc họp Lãnh đạo cơ quan SHTT các nước ASEAN – Hàn Quốc lần thứ 5
- Thông báo về sự kiện Tuần lễ Kiến thức sáng chế của EPO
- Thông báo về Lễ công bố Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2022
- Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ làm việc với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới