Th 4, 15/11/2023 | 09:39 SA
Hội thảo “Hiệp ước Budapest về công nhận quốc tế đối với việc nộp lưu chủng vi sinh nhằm tiến hành các thủ tục về sáng chế”
Ngày 10/11/2023, trong khuôn khổ Phi Dự án “Hỗ trợ thực thi Hiệp định đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương trong lĩnh vực SHTT năm 2023” (gọi tắt là Dự án EDM) do Bộ các vấn đề toàn cầu Canada tài trợ, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo “Hiệp ước Budapest về công nhận quốc tế đối với việc nộp lưu chủng vi sinh nhằm tiến hành các thủ tục về sáng chế”.
Hiệp ước Budapest về công nhận quốc tế đối với việc nộp lưu chủng vi sinh nhằm tiến hành các thủ tục về sáng chế được thông qua lần đầu năm 1977 và sửa đổi năm 1980 đã cung cấp một cơ chế quốc tế được thiết kế để trợ giúp cho các Cơ quan SHTT quốc gia thành viên trong thẩm định đơn đăng kí sáng chế thông qua việc nộp lưu chủng vi sinh với Cơ quan có thẩm quyền lưu giữ chủng vi sinh quốc tế (IDA).
Tham dự Hội thảo, về phía Cục SHTT, ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ tham gia chủ trì và phát biểu khai mạc hội thảo. Về phía báo cáo viên, có ông Brian Mckay, Trưởng nhóm chuyên gia Dự án EDM, các chuyên gia đến từ Canada và Nhật Bản cùng các đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các viện nghiên cứu, trường đại học và một số đại diện sở hữu công nghiệp đang hoạt động và nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sinh học của Việt Nam.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Cục trưởng Trần Lê Hồng nêu rõ việc gia nhập Hiệp ước Budapest nhằm đơn giản hóa thủ tục nộp lưu chủng vi sinh trong quá trình tiến hành các thủ tục nộp đơn đăng ký sáng chế về công nghệ sinh học, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ sinh học, vốn được xem là một trong những trụ cột chính của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việt Nam gia nhập Hiệp ước Budapest năm 2021 cũng nhằm thực hiện một trong các cam kết về sở hữu trí tuệ khi Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Các đại biểu tham dự Hội thảo trực tiếp
Hội thảo được tổ chức với mục đích hỗ trợ việc triển khai Hiệp ước Budapest thành công trong bối cảnh chưa có trường hợp nào thực hiện việc nộp lưu chủng vi sinh trong đăng ký sáng chế tại Việt Nam. Ông Brian Mckay và các cộng sự trong nhóm chuyên gia Dự án EDM đã xậy dựng dự thảo Hướng dẫn thành lập và vận hành cơ quan có thẩm quyền lưu giữ mẫu chủng vi sinh quốc tế theo Hiệp ước Budapest và cùng chia sẻ, trao đổi với các chuyên gia của Việt Nam về các tác động pháp lý của Hiệp ước Budapest, quy trình thủ tục thành lập một IDA, các biện pháp khắc phục khi không tuân thủ quy định, các vấn đề thực tiễn liên quan đến việc thành lập một IDA, các điều kiện cần đảm bảo để vận hành một IDA.
Trong chương trình Hội thảo, bên cạnh kinh nghiệm của Canada, chuyên gia đến từ Nhật Bản cũng chia sẻ và giới thiệu kinh nghiệm của Nhật Bản về quy trình, công nghệ và thủ tục nộp lưu giữ chủng lưu vi sinh tại Nhật Bản. Nhật Bản là một trong những quốc gia thiết lập IDA từ rất sớm (năm 1981), thực tiễn chia sẻ từ chuyên gia rất hữu ích đối với Việt Nam.
Một số hình ảnh Hội thảo:
Về phía Việt Nam, các chuyên gia đến từ các Viện nghiên cứu, Trường Đại học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng chia sẽ quy trình lưu giữ và bảo tồn giống và các chủng vi sinh tại Việt Nam, đồng thời đặt ra các câu hỏi để chuyên gia quốc tế giải đáp, chia sẻ thông tin và tư vấn trên cơ sở nhu cầu và năng lực thực tiễn của Việt Nam hiện nay.
Kết thúc Hội thảo, trên cơ sở khuyến nghị của các chuyên gia, Phó Cục trưởng Trần Lê Hồng nhấn mạnh việc quyết định thành lập IDA là một vấn đề cần được nghiên cứu toàn diện từ nhu cầu thực tế, đến nguồn lực và chính sách quốc gia. Cục SHTT mong muốn thời gian tới các chuyên gia sẽ tiếp tục đồng hành với Cục SHTT và các cơ quan liên quan của Việt Nam để có được đề xuất phù hợp và khả thi nhất trong việc thiết lập IDA tại Việt Nam./.
Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn
Tin mới nhất
- Công đoàn Cục Sở hữu trí tuệ tham dự Hội nghị công tác Công đoàn năm 2024 do Công đoàn Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức
- Diễn đàn đổi mới sáng tạo mở và sáng chế phục vụ phát triển ngành Y dược và công nghệ sinh học Việt Nam
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Lạng Sơn" cho sản phẩm quả Na
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Lạng sơn" cho sản phẩm mác mật
- Hội thảo giới thiệu “Những điểm mới của pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam - thúc đẩy đổi mới sáng tạo”
Các tin khác
- Chào mừng kỷ niệm ngày thành lập hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam 20/10
- Hội thảo “Sử dụng hệ thống Madrid để đăng ký quốc tế nhãn hiệu”
- Tập huấn “Bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài và thị trường trọng điểm Trung Quốc” tại thành phố Đà Nẵng
- Trường Đại học Luật TP.HCM và Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Lễ khai giảng Khóa Đào tạo chuyên sâu về Sở hữu Trí tuệ năm học 2023 tại TP.HCM và tại Hà Nội
- Cục Sở hữu trí tuệ tiếp đón và làm việc với Cơ quan Xúc tiến Thương mại – Đầu tư Hàn Quốc về hoạt động xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam