CN, 24/07/2022 | 16:23 CH

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết Tương phản

Trạm bả phòng trừ mối cho các công trình xây dựng

Với khả năng dẫn dụ và tiêu diệt mối cao mà không làm mất mỹ quan, lại tốn ít chi phí, trạm bả do TS. Nguyễn Tân Vương chế tạo có thể là một giải pháp hiệu quả để phòng trừ mối cho các công trình xây dựng ở Việt Nam

Nhắc đến mối, hẳn mọi người đều hình dung đến một sinh vật nhỏ bé nhưng có sức phá hoại khủng khiếp. “Trong thực tế, hầu hết các công trình xây dựng, kể cả các ngôi nhà cao tầng, các công trình vĩnh cửu đều có thể bị mối xâm hại”, TS. Nguyễn Tân Vương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và bảo vệ công trình (Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam) cho biết. Không ít nhà cửa, thậm chí đê điều từng bị các tổ mối xông dẫn đến sụp đổ. Điều nguy hiểm là mối rất phổ biến ở các quốc gia nhiệt đới như Việt Nam - kết quả điều tra từ năm 1996 cho thấy hơn 90% đình chùa ở miền Bắc Việt Nam đều bị mối gây hại ở các mức độ tổn thất khác nhau.

Khả năng gây hại của mối xuất phát từ đặc tính của một loài côn trùng sống theo bầy đàn với số lượng lớn, mối thường xâm nhập và ăn các cấu kiện gỗ trong các công trình xây dựng. “Do thức ăn của mối là xenluloza nên ngoài gỗ, tre, nứa thì tất cả các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật như giấy, vải đều bị chúng phá hoại. Trên đường đến nguồn thức ăn, mối có thể đục qua nhiều loại vật liệu khác nhau như vỏ cáp điện, cao su, đồng thời mang theo đất ẩm, có thể gây xuống cấp công trình, sự cố chập mạch điện ngầm, làm hỏng máy móc,...”, ông giải thích. Mối hoạt động thầm lặng nên rất khó phát hiện, khi nhận ra thì tổ mối thường đã ăn sâu trong các công trình.

Khi gõ từ khóa “diệt mối” trên công cụ tìm kiếm của Google, hàng triệu kết quả nhanh chóng hiện ra trong chưa đầy 1 giây. Có thể thấy, làm thế nào để diệt mối hiệu quả, tiết kiệm chi phí và thân thiện với môi trường luôn là một bài toán nan giải. Theo thống kê, ngay cả các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ cũng tốn hàng tỷ USD để phòng trừ mối hàng năm. “Công nghệ diệt mối phổ biến hiện nay là dùng hóa chất vây xung quanh công trình, tuy nhiên hóa chất đổ xuống trộn vào đất sẽ ảnh hưởng đến môi trường”, TS. Nguyễn Tân Vương nói. Hơn nữa, phương pháp hàng rào hóa chất chỉ có tác dụng xua đuổi hoặc giết được một phần mối đi kiếm ăn chứ không tiêu diệt được toàn bộ tổ mối. Và do độ bền của hóa chất có giới hạn nên sau một khoảng thời gian, hàng rào hóa chất không còn tác dụng phòng trừ mối nữa.

Trước tình trạng trên, TS. Nguyễn Tân Vương đã chế tạo một trạm bả phòng trừ mối cho các công trình xây dựng với hiệu quả tiêu diệt mối cao và tốn ít chi phí, đặc biệt là tốn ít hóa chất hơn 600 lần so với phương pháp hàng rào hóa chất. “Mục tiêu của tôi là làm thế nào để bảo vệ các công trình xây dựng ở Việt Nam trước sự tấn công của mối mà dùng ít nhất hóa chất nhất có thể”, ông nói.

Thiết kế trạm bả dụ mối

Việc sử dụng các thiết bị chứa bả (thức ăn tẩm độc) để dẫn dụ và tiêu diệt mối (trạm bả) không phải là giải pháp mới trên thế giới. Về cơ chế, trạm bả được thiết kế sao cho thu hút mối đến và tiêu thụ thức ăn đã chứa sẵn độc tố, sau đó mang về lây nhiễm cho cả tổ. “Con mối đi kiếm ăn sẽ không chết ngay, mà đi về tổ mớm thức ăn cho con mối ở nhà, do vậy, mối chúa ở trong tổ không đi kiếm ăn cũng sẽ bị nhiễm độc chết”, TS. Nguyễn Tân Vương giải thích. Đây là phương pháp “chủ động” dẫn dụ mối đến và tiêu diệt, thay vì “thụ động” như hàng rào hóa chất. 

 

Ảnh: Diệt mối là công đoạn quan trọng trong quá trình xây dựng. Nguồn: impehcm.org.vn

Dù nhiều nơi ở Việt Nam và trên thế giới đã phát triển các loại trạm bả song ông thấy vẫn còn một số hạn chế. Chẳng hạn như một sáng chế trạm bả của Hoa Kỳ có kết cấu gồm hai phần được bọc trong vỏ polyme, một phần chứa thức ăn và một phần chứa bả, được nối với nhau bằng một ống thông có nút ngăn. Khi tiếp cận, mối sẽ gặm thủng vỏ polyme, ăn thức ăn ở phần một rồi đục xuyên qua ống thông đến khối bả ở phần hai. “Kết cấu trạm bả này cho phép trạm bả hoạt động như bẫy tự động, mối đến tự ăn và chết, không mất nhiều công kiểm tra xác định khi nào có mối ở trạm bả để đặt bả, giảm chi phí nhân công. Tuy nhiên, hạn chế của giải pháp này là vỏ polyme không phải là thức ăn của mối nên không hấp dẫn mối, có thể dẫn đến hiện tượng mối vào trạm bả, nhưng không xâm nhập, hoặc chỉ xâm nhập vào phần thức ăn chứ không vào phần chứa bả, nên tổ mối vẫn không bị diệt”, ông cho biết. Một giải pháp khác của Việt Nam gần đây đã đưa ra kết cấu trạm bả có vỏ gỗ, dạng khoang rỗng chứa bả bên trong, miệng khoang được nút kín bằng vật liệu chống thấm nước (paraffin, nhựa, cao su). Khi mối đục xuyên qua vỏ gỗ sẽ làm vỡ lớp chống thấm, mở ra khoang chứa bả, mối đến ăn và chết. “Tuy nhiên, hạn chế của giải pháp này là dễ bị hỏng ở độ ẩm cao, làm giảm thời hạn sử dụng của bả, nhất là khi đường kính khoang rỗng lớn hơn 2 cm”.

Vậy trạm bả như thế nào mới đảm bảo hiệu quả? “Trạm bả phải bảo quản được khối bả trong thời gian dài không bị hư hỏng, đồng thời hấp dẫn được mối, tạo điều kiện cho mối dễ khai thác khối bả. Đây là những yếu tố quyết định đến thành công của việc phòng trừ mối”, ông phân tích. 

Việc thiết kế một trạm bả hội tụ đủ các yếu tố trên không nằm ngoài tầm tay của một nhà khoa học “cả đời làm về con mối” như TS. Nguyễn Tân Vương. Cấu tạo trạm bả mà ông đã chế tạo có vẻ khá đơn giản: vỏ trạm bả dạng ống trụ làm bằng nhựa, bên trong có khoang chứa đựng khổi bả, xung quanh khối bả được chèn bằng gỗ, mạt cưa, bông hoặc bã mía khô. Miệng khoang được gắn kín bằng nút ngăn ẩm làm từ giấy, gỗ ép hoặc bông được phủ lớp chống thấm. 

Tuy nhiên, nếu tìm hiểu sâu hơn, có thể thấy mỗi chi tiết của trạm bả đều được TS. Nguyễn Tân Vương tính toán rất tỉ mỉ, đảm bảo vừa dẫn dụ mối hiệu quả, vừa tiết kiệm chi phí. “Khối bả có trọng lượng khoảng 3-4g ở dạng viên, xung quanh có các vật chèn để giữ khối bả ở tâm khoang chứa. Ngoài việc giúp khối bả không bị va đập, các vật chèn cũng có tác dụng như mồi nhử dẫn dụ mối tiếp xúc với khối bả. Lớp chống thấm bằng vật liệu hữu cơ được chọn từ paraffin, sáp ong và dầu thông thay vì phủ màng polyme giúp hạn chế tình trạng mối ăn hết lớp nút, nhưng không tiếp cận với bên trong do chúng không gặm xuyên qua lớp polyme khiến trạm bả mất tác dụng”. Đây là kết quả của một quá trình nghiên cứu bài bản và “đương nhiên là mất rất nhiều thời gian”, ông hồi tưởng lại. Hành trình thiết kế trạm bả của TS. Nguyễn Tân Vương cũng gắn liền với sự phát triển của kỹ thuật diệt mối ở Việt Nam. “Trước đây trong nước chưa có bả diệt mối, sau năm 2000, Việt Nam mới nghiên cứu bả diệt mối và du nhập các loại bả từ nước ngoài, lúc đấy mới nảy sinh vấn đề phòng mối bằng hệ thống trạm bả. Trước khi thiết kế trạm bả này, tôi đã tham gia nghiên cứu chế tạo nhiều loại bả và trạm bả phòng trừ mối khác nhau”.

Sẵn sàng cho thương mại hóa

Hiệu quả của trạm bả này đã được chứng minh trong quá trình thử nghiệm ở nhiều nơi khác nhau. “Chúng tôi đã đặt hệ thống trạm bả này ở một số công trình, khoảng chục ngày là mối đã vào, chỉ một vài tháng sau là mối đã ăn hàng loạt rồi”, TS. Nguyễn Tấn Vương cho biết. Một số loại bả thương mại phổ biến trên thế giới đều có thể dùng cho trạm bả này. Tuy tốn nhiều thời gian hơn so với phương pháp dùng hóa chất trực tiếp, song hệ thống trạm bả có hiệu quả tiêu diệt mối cao hơn, tốn ít chi phí nhân công và hóa chất hơn. “So với công nghệ hàng rào hóa chất, trạm bả sử dụng hóa chất ít hơn 600 lần, đỡ độc hại và tiết kiệm chi phí hơn”.

Với khả năng ứng dụng rộng rãi trong thực tế, giải pháp trạm bả phòng trừ mối cho các công trình xây dựng của TS. Nguyễn Tân Vương đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 2-0002931 công bố ngày 25/6/2022. “Trạm bả có thể được đặt vào nơi đang có mối hoạt động để diệt mối hoặc đặt vào nơi chưa có mối để phòng mối. Trạm bả có thể được đặt nằm, thẳng đứng hay nghiêng nhưng nút ngăn ẩm 3 luôn hướng về nơi đang hoặc sẽ có mối hoạt động”, theo mô tả trong giải pháp hữu ích. “Thời gian duy trì hiệu lực diệt và phòng mối của trạm bả phụ thuộc vào điều kiện môi trường, độ ẩm càng cao thời hạn càng ngắn, có thể là 6 tháng đến vài năm”.

Việc đăng ký bảo hộ là bước chuẩn bị quan trọng cho quá trình thương mại hóa trong tương lai. “Tất cả những ý tưởng, giải pháp của mình muốn giữ được hiệu quả, thì bước đầu tiên phải bảo hộ sở hữu trí tuệ”, TS. Nguyễn Tân Vương bày tỏ. Điều đặc biệt là khi nhiều nơi còn loay hoay với việc thúc đẩy xác lập quyền sở hữu trí tuệ, ông đã tự tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ, viết bản mô tả của giải pháp - công đoạn được coi là khó nhất trong quá trình đăng ký bảo hộ sáng chế và giải pháp hữu ích. Ngoài việc sớm ý thức được tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ, TS. Nguyễn Tấn Vương đã chủ động học hỏi, tích lũy kinh nghiệm trong lĩnh vực này: “Đây là giải pháp thứ ba mà tôi đứng tên tác giả được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, hai cái trước thì phải nhờ đến đại diện sở hữu công nghiệp, đến cái này thì tôi có thể tự làm được rồi”, ông nói.

Với hiệu quả cao, tốn ít chi phí lại dễ dàng sản xuất, trạm bả trên có lẽ là giải pháp hoàn hảo để phòng trừ mối? “Chẳng có công nghệ nào là hoàn hảo ngay lập tức, trong quá trình sử dụng vẫn sẽ thấy khuyết điểm và cần cải tiến nó. Trạm bả có ưu điểm là không ảnh hưởng đến mỹ quan công trình, nhưng hạn chế là không thể chạy theo các điểm mối xuất hiện trên thực địa, nên sẽ phải bổ sung thêm các trạm bả khác tạo thành hệ thống, tất nhiên về mặt chi phí vẫn khá rẻ so với dùng hàng rào hóa chất. Hiện nay, chúng tôi đã sẵn sàng chuyển giao giải pháp này cho đơn vị nào có nhu cầu”, TS. Nguyễn Tân Vương cho biết.

Thanh An (Bài viết hợp tác giữa Cục SHTT và Báo KH&PT)