Th 6, 08/10/2021 | 16:45 CH
Cục Sở hữu trí tuệ họp song phương cấp Cục trưởng với Cơ quan Sở hữu trí tuệ Vương Quốc Anh
Bên lề Đại Hội đồng WIPO 2021, ngày 07/10/2021, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Giám đốc điều hành kiêm Tổng kiểm soát Cơ quan Sở hữu trí tuệ Vương Quốc Anh (UKIPO) đã có buổi cuộc họp song phương trực tuyến cấp Cục trưởng nhằm trao đổi thông tin về tình hình phát triển gần đây, các biện pháp ứng phó với COVID-19 và kế hoạch phát triển trong thời gian tới của mỗi cơ quan.
Cục trưởng Đinh Hữu Phí và Giám đốc điều hành Tim Moss bày tỏ vui mừng khi gặp lại nhau qua cầu truyền hình kể từ cuộc họp song phương trực tuyến bên lề Đại Hội đồng WIPO 2020 và đều lấy làm tiếc vì dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp khiến hai Cơ quan chưa thể tiếp xúc trực tiếp.
Cục trưởng Đinh Hữu Phí và các cán bộ Cục Sở hữu trí tuệ tham dự họp trực tuyến với Cơ quan Sở hữu trí tuệ Vương quốc Anh
Về phía Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), Cục trưởng Đinh Hữu Phí cho biết, trong thời gian chịu ảnh hưởng của làn sóng COVID-19 lần thứ tư từ ngày 27/4/2021, Cục SHTT đã phải tạm dừng tiếp nhận và trả kết quả đơn đăng ký sở hữu công nghiệp trực tiếp tại trụ sở Cục SHTT từ ngày 27/5/2021 đến ngày 30/9/2021, thay vào đó, trong khoảng thời gian trên, đơn đăng ký SHCN và các công văn, tài liệu nộp đến trụ sở Cục SHTT và Văn phòng đại diện chỉ được tiếp nhận thông qua hình thức trực tuyến hoặc gửi qua bưu điện. Bên cạnh đó, Cục SHTT cũng ban hành Thông báo số 7581/TB-SHTT về việc áp dụng quy định của pháp luật về thời hạn đối với người nộp đơn bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, theo đó, Cục SHTT sẽ gia hạn cho các thủ tục liên quan đến xác lập quyền SHCN (yêu cầu hưởng quyền ưu tiên, bổ sung tài liệu, duy trì/gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ…) đến hạn trong khoảng thời gian từ ngày 30/6/2021 đến ngày 31/8/2021 được tự động gia hạn đến hết ngày 30/9/2021. Cục SHTT cũng giảm 50% lệ phí sở hữu công nghiệp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định của Thông tư số 47/2021/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Mặc dù công tác nhận và xử lý đơn chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Cục trưởng Đinh Hữu Phí cho biết các số liệu liên quan đến đơn đầu vào và đầu ra, đặc biệt là kết quả xử lý đơn vẫn khả quan: năm 2019 tăng 52%, năm 2020 tăng 10% và trong năm 2021 số liệu vẫn ở mức tương đương với cùng kỳ năm ngoái.
Cục trưởng Đinh Hữu Phí đã thông báo với Giám đốc điều hành UKIPO về tiến độ sửa đổi Luật SHTT, cụ thể là dự thảo Luật SHTT đã được trình Chính phủ vào tháng 6/2021, dự kiến xin ý kiến Quốc hội vào tháng 10/2021 và thông qua tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XV vào tháng 5/2022. Cục trưởng cho biết, việc sửa đổi Luật lần này nhằm hai mục đích, đó là khắc phục những bất cập của thực tiễn 15 năm thi hành và thúc đẩy mạnh mẽ hơn hoạt động đổi mới sáng tạo, đặc biệt từ khối viện nghiên cứu, trường đại học. Mặc dù hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam và Vương quốc Anh có khác biệt, song Cục trưởng bày tỏ Việt Nam mong muốn nhận được góp ý và tư vấn của UKIPO đối với dự thảo Luật SHTT sửa đổi của Việt Nam nếu có.
Cục trưởng Đinh Hữu Phí cũng cập nhật với UKIPO về tình hình triển khai Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia. Trên cơ sở Kế hoạch thực hiện Chiến lược cho giai đoạn 2020-2025 của Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ theo dõi và tổng hợp tình hình thực hiện Chiến lược của các Bộ, ngành, địa phương. Cục SHTT đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến về nội dung Chiến lược trên các phương tiện thông tin đại chúng và qua các hội thảo, hội nghị về phổ biến chính sách, pháp luật về SHTT. Bên cạnh đó, Cục còn hướng dẫn, góp ý cho kế hoạch triển khai Chiến lược SHTT của nhiều cơ quan, đặc biệt là Kế hoạch của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bên cạnh đó, một trong những vấn đề nhận được rất nhiều sự quan tâm của UKIPO trong thời gian qua đó là vấn đề thực thi cũng được Cục trưởng Đinh Hữu Phí đề cập tới. Dù không có chức năng thực thi quyền SHTT song Cục SHTT tham gia tích cực và hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động của các cơ quan thực thi quyền SHTT trên phạm vi cả nước. Các ý kiến chuyên môn và kết quả tra cứu, cung cấp thông tin SHCN do Cục SHTT cung cấp là cơ sở quan trọng để các cơ quan như: Thanh tra KH&CN, Quản lý thị trường, Công an kinh tế, Hải quan, Tòa án xử lý, giải quyết các vụ việc về xâm phạm quyền SHCN. Bên cạnh đó, Cục SHTT cũng tham gia cung cấp ý kiến chuyên môn trong khuôn khổ Chương trình phối hợp hành động phòng và chống xâm phạm quyền SHTT giai đoạn III (2019-2023) và hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Trung ương (Ban chỉ đạo 389 TW) khi được yêu cầu.
Tại buổi làm việc, Cục trưởng Đinh Hữu Phí cũng chia sẻ về một số định hướng của Cục SHTT trong thời gian tới, trong đó tiếp tục thực hiện Đề án Luật sửa đổi bổ sung Luật SHTT; tập trung các nguồn lực để đảm bảo triển khai có chất lượng và hiệu quả các nhiệm vụ thực hiện Chiến lược SHTT năm 2030 (giai đoạn 2020-2025); triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 và các hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo nhằm phát huy vai trò của quyền SHTT đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tiếp tục nghiên cứu và áp dụng các giải pháp đột phá để đẩy mạnh công tác xử lý đơn đăng ký xác lập quyền SHCN; đẩy nhanh triển khai các Dự án công nghệ thông tin và mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn của Cục SHTT;...
Ông Tim Moss - Giám đốc điều hành kiêm Tổng kiểm soát cùng các cán bộ Cơ quan Sở hữu trí tuệ Vương quốc Anh tham dự cuộc họp trực tuyến
Về phía UKIPO, sau khi nghe chia sẻ của Cục SHTT, ông Tim Moss bày tỏ ấn tượng với những kết quả hoạt động mà Cục SHTT đã đạt được trong thời gian qua. Ông cũng thông tin cho Cục SHTT về các hoạt động của UKIPO trong năm vừa rồi, như gia hạn cho người nộp đơn trong xử lý các vấn đề liên quan đến thủ tục xác lập quyền SHTT trong giai đoạn đầu của dịch COVID-19 tại Vương quốc Anh, sửa đổi Luật SHTT để thích nghi với Brexit, sự tăng trưởng của đơn nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp trong bối cảnh thương mại điện tử ngày càng phát triển trong đại dịch khiến cho UKIPO phải tiến hành tuyển dụng thẩm định viên để kịp thời giải quyết số lượng đơn gia tăng và đơn tồn. Giám đốc điều hành UKIPO cho rằng Cơ quan SHTT hai nước có nhiều điểm chung về vai trò phối hợp với cơ quan thực thi quyền, về định hướng ưu tiên liên quan đến sửa đổi Luật SHTT nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế cũng như về kế hoạch tuyển dụng, đào tạo và trang bị cơ sở vật chất cho Cơ quan SHTT nhằm phục vụ công tác chuyên môn.
Liên quan đến định hướng hợp tác giữa hai Cơ quan trong thời gian tới, hai Lãnh đạo thống nhất xem xét khả năng ký gia hạn MOU và thảo luận về các hoạt động hợp tác thông qua dự án mới sau khi Dự án hỗ trợ phát triển lĩnh vực tài chính và sở hữu trí tuệ khu vực Đông Nam Á (FSIP) sẽ kết thúc vào cuối năm nay.
Kết thúc buổi họp, Cục trưởng Đinh Hữu Phí và Giám đốc điều hành UKIPO Tim Moss cùng gửi lời cảm ơn các đồng nghiệp của hai bên vì sự hợp tác tốt đẹp trong thời gian qua và hy vọng quan hệ hợp tác giữa hai Cơ quan sẽ ngày càng bền chặt, hiệu quả trong tương lai. Cục trưởng Đinh Hữu Phí đã trân trọng mời Ông Tim Moss sang thăm và làm việc với Cục SHTT Việt Nam vào một dịp thuận tiện nhất khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt. Giám đốc điều hành UKIPO Tim Moss đã vui vẻ nhận lời và hy vọng sẽ được thăm Cục SHTT trong thời gian sớm nhất./.
Phòng Hợp tác quốc tế
Tin mới nhất
- Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao lần thứ 3 Vành đai và Con đường về Sở hữu trí tuệ và các sự kiện liên quan
- Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy tham dự Đại hội đồng WIPO 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ đăng cai tổ chức Cuộc họp lần thứ 72 AWGIPC và các sự kiện bên lề diễn ra từ ngày 22-26/4/2024 tại Đà Nẵng và Huế
- Mạng lưới các Trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (TISC) - Nền tảng quan trọng thúc đẩy nghiên cứu hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững
- Hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững: Vai trò của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới