Th 7, 30/09/2023 | 17:21 CH
Hội thảo tập huấn “Kỹ năng tra cứu thông tin và soạn thảo bản mô tả sáng chế”
Diễn ra trong hai ngày 28-29/9/2023 tại Hà Nội, hội thảo tập huấn “Kỹ năng tra cứu thông tin và soạn thảo bản mô tả sáng chế” do Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức đã giúp các nhà nghiên cứu nắm được bí quyết soạn thảo bản mô tả sáng chế - một trong những chìa khóa để thúc đẩy hoạt động đăng ký bảo hộ sáng chế tại các viện, trường.
Dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia ở Cục Sở hữu trí tuệ, trong thời gian hai ngày, gần 100 đại biểu đến từ nhiều viện, trường đã tìm hiểu về quy trình, thủ tục đăng ký sáng chế.
Trong các nội dung được truyền đạt, soạn thảo bản mô tả sáng chế là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm nhất của các nhà nghiên cứu. Họ cho rằng đây là thách thức lớn trong quá trình đăng ký bảo hộ sáng chế. Chia sẻ này cũng phù hợp với kết quả khảo sát do Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ (Bộ KH&CN) thực hiện năm 2018. Theo đó, những khó khăn khi soạn thảo bản mô tả sáng chế là một trong những nguyên nhân khiến số lượng đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích tại các viện nghiên cứu, trường đại học còn hạn chế.
Nhiều nhà khoa học gặp khó khăn khi mô tả sáng chế vì ngoài việc phải đáp ứng các tiêu chí để cấp Bằng độc quyền sáng chế như tính mới, trình độ sáng tạo, khả năng áp dụng công nghiệp, còn cần phải nắm được văn phong, cách soạn thảo bản mô tả sáng chế theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành, phải biết cách tra cứu tư liệu sáng chế để xác định sơ bộ tính mới, phải biết soạn thảo yêu cầu bảo hộ của sáng chế với phạm vi rộng nhất có thể để có lợi thế trong quá trình thương mại hóa.
Toàn cảnh Hội thảo
Tập trung vào yêu cầu bảo hộ
Bí quyết soạn thảo bản mô tả sáng chế chủ yếu nằm ở phần yêu cầu bảo hộ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thường đầu tư rất nhiều công sức vào phần mô tả tình trạng kỹ thuật của sáng chế, dẫn đến tốn nhiều thời gian, công sức mà không đem lại hiệu quả bảo hộ. “Khi viết sáng chế, các tác giả lưu ý phần quan trọng nhất là yêu cầu bảo hộ, thẩm định viên sẽ đánh giá khả năng bảo hộ dựa trên đó. Còn lại các phần khác có giá trị cung cấp thông tin, làm rõ và minh họa cho yêu cầu bảo hộ, cần có sự phân bổ thời gian phù hợp để tiết kiệm công sức”, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Thông tin sở hữu công nghiệp (Cục Sở hữu trí tuệ), nhấn mạnh.
Hơn nữa, cách viết yêu cầu bảo hộ sẽ quyết định phạm vi bảo hộ của sáng chế. Người soạn thảo không nên mô tả quá chi tiết trong phần yêu cầu bảo hộ vì có thể vô tình thu hẹp phạm vi bảo hộ của sáng chế. Theo các chuyên gia, sáng chế của người Việt thường viết yêu cầu bảo hộ quá sơ sài, bị từ chối ngay từ đầu, hoặc viết quá sâu, chứa nhiều thông tin không cần thiết, thậm chí có những sáng chế viết rất chi tiết, chính xác từng thông số kỹ thuật. “Phạm vi bảo hộ của sáng chế rộng hay hẹp sẽ phụ thuộc vào yêu cầu bảo hộ. Nếu chúng ta viết càng chi tiết thì phạm vi bảo hộ càng hẹp”, bà Hiền phân tích. “Giống như nguyên tắc về tổ hợp, một tổ hợp càng nhiều thuộc tính thì nó càng nhỏ, khi soạn thảo phần yêu cầu bảo hộ sáng chế, chúng ta phải viết sao cho tổ hợp đó rộng nhất có thể”.
“Những kiến thức này rất giá trị, từ trước đến nay, chúng tôi chưa chú ý đến điều này nên thường viết bản mô tả rất chi tiết, thậm chí đến từng độ pH cũng viết chính xác luôn, mà không biết rằng phạm vi bảo hộ đã bị hạn chế”, một đại biểu chia sẻ trong hội thảo.
Tăng cường trao đổi giữa tác giả sáng chế và thẩm định viên
Ngoài ra, một số nhà nghiên cứu cũng phản ánh tình trạng đăng ký bảo hộ dưới hình thức yêu cầu cấp Bằng độc quyền sáng chế nhưng chỉ được cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Về bản chất, để được cấp Bằng độc quyền sáng chế cần đáp ứng điều kiện bảo hộ ở mức cao hơn (phải có tính mới, có trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp) so với giải pháp hữu ích (không yêu cầu trình độ sáng tạo), đi kèm với thời hạn bảo hộ dài hơn (sáng chế: 20 năm, giải pháp hữu ích: 10 năm). Liệu có phải chính bản thân giải pháp nghiên cứu của tác giả không đủ trình độ sáng tạo? “Thực ra không phải lúc nào cũng vậy. Rất nhiều tình huống do người soạn thảo không biết cách bộc lộ các dấu hiệu kỹ thuật cơ bản khác biệt của sáng chế, dẫn tới bỏ qua không bộc lộ trong bản mô tả hoặc có trường hợp lại cố “giấu đi” vì sợ mất bí quyết kỹ thuật. Điều này dẫn đến khối lượng thông tin đã bộc lộ trong bản mô tả không chứa các dấu hiệu kỹ thuật cơ bản khác biệt làm cho không có cách nào để sửa đổi yêu cầu bảo hộ để giúp cho sáng chế đáp ứng điều kiện bảo hộ. Nếu việc sửa đổi vượt quá phạm vi đã bộc lộ trong đơn ban đầu thì người nộp đơn phải nộp đơn mới và mọi thủ tục cần được tiến hành lại từ đầu, mà thời điểm này thường quá 1 năm kể từ ngày nộp đơn ban đầu nên đã quá thời hạn để được xin hưởng quyền ưu tiên từ đơn ban đầu. Hoặc có trường hợp, phần mô tả chứa khá nhiều thông tin kỹ thuật, tuy nhiên yêu cầu bảo hộ lại sơ sài. Đến khi Cục Sở hữu trí tuệ đưa ra thông báo kết quả thẩm định trên cơ sở đánh giá khả năng bảo hộ của các điểm yêu cầu bảo hộ, dù không đồng tình nhưng cũng chủ đơn cũng ‘ngại’ hoặc không biết cách phản đối kết quả thẩm định, nên chấp nhận bảo hộ dưới dạng Bằng độc quyền giải pháp hữu ích”, bà Hiền nhận xét.
Ban tổ chức chụp ảnh lưu niệm cùng các nhà sáng chế
Để khắc phục vấn đề này, các chuyên gia cho rằng cần phải tăng cường tương tác giữa người nộp đơn và thẩm định viên. “Nếu các tác giả thấy có sự đánh giá chưa xác đáng thì hãy giải thích kỹ lưỡng, chúng tôi rất mong nhận được phản hồi, vừa đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các nhà sáng chế, vừa giúp thẩm định viên có thêm kiến thức phục vụ công tác thẩm định. Việc trao đổi qua lại như vậy là rất bình thường, quá trình đăng ký bảo hộ sáng chế ở nước ngoài cũng thế”, Ông Bùi Duy Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm, nhận xét.
Những kiến thức trong buổi tập huấn cũng nhanh chóng được ứng dụng vào thực tế. Sau bốn chuyên đề “Tổng quan về sở hữu trí tuệ và thủ tục đăng ký sáng chế”; “Giới thiệu các cơ sở dữ liệu tra cứu sáng chế và chiến lược tra cứu sáng chế”; “Các yêu cầu đối với bản mô tả sáng chế”; “Hướng dẫn sử dụng phần mềm soạn thảo bản mô tả sáng chế”, các đại biểu đã thực hành soạn thảo bản mô tả sáng chế. Một số nhà nghiên cứu đã có ý tưởng muốn đăng ký bảo hộ sáng chế cũng được các chuyên gia tư vấn tại hội thảo.
Thanh An
Tin mới nhất
- Hội thảo “Bảo hộ và thực thi quyền đối với nhãn hiệu trên nền tảng thương mại điện tử”
- Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và Cục Sở hữu trí tuệ triển khai Chương trình đào tạo và tư vấn quản trị sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt Nam
- Hội thảo quốc tế về Sở hữu trí tuệ và trí tuệ nhân tạo
- Lễ Bế giảng Khóa đào tạo chuyên sâu về sở hữu trí tuệ năm 2023-2024
- Sinh hoạt chuyên đề Liên Chi bộ với chủ đề “Quy chế thực hiện dân chủ cơ sở của Cục Sở hữu trí tuệ”
Các tin khác
- Hội thảo Pháp luật sở hữu trí tuệ - thay đổi để thúc đẩy đổi mới sáng tạo
- Nghị định hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi: Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp
- Công bố Quyết định của Đảng ủy Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ định tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ và giữ chức danh Bí thư Đảng ủy Cục Sở hữu trí tuệ đối với Cục trưởng Lưu Hoàng Long
- Sinh hoạt chi bộ chuyên đề "Tìm về địa chỉ đỏ - nơi khởi đầu của cách mạng Việt Nam"
- Lễ thông báo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc bổ nhiệm Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ