Th 2, 09/11/2020 | 10:42 SA
Tọa đàm “Những vấn đề cần giải quyết nhằm nâng cao chất lượng thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu”
Trong khuôn khổ kế hoạch hoạt động chuyên môn thường niên, ngày 31/10/2020, Trung tâm Thẩm định Nhãn hiệu và Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế trực thuộc Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Những vấn đề cần giải quyết nhằm nâng cao chất lượng thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu” tại thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai.
Tham dự buổi tọa đàm có ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục SHTT, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Vụ trưởng – Bộ Khoa học và Công nghệ cùng toàn thể viên chức và người lao động của hai Trung tâm và đại diện của một số đơn vị liên quan trực thuộc Cục.
Tập thể Khối nhãn hiệu cùng các khách mời chụp ảnh lưu niệm tại Tọa đàm
Số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp nói chung và đăng ký nhãn hiệu nói riêng (bao gồm đơn đăng ký nhãn hiệu quốc gia, đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu, đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận) được nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ những năm gần đây tăng đáng kể. Trung tâm Thẩm định Nhãn hiệu và Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế đã không ngừng nỗ lực để đẩy nhanh tốc độ xử lý đơn, khắc phục tình trạng đơn tồn đọng, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội. Trong quá trình thực hiện công việc thẩm định, các thẩm định viên đang gặp phải một số vướng mắc nhất định xuất phát từ quy định pháp luật, từ sự vận động thay đổi nhanh chóng của điều kiện kinh tế, xã hội cũng như từ quan điểm chưa nhất quán giữa các thẩm định viên,... Những vướng mắc này cần được đưa ra trao đổi, thảo luận để có hướng giải quyết phù hợp.
Tại buổi Tọa đàm, một số chuyên đề được trình bày và thảo luận, bao gồm: Đánh giá các dấu hiệu không có khả năng phân biệt trên mẫu nhãn hiệu (do ông Nguyễn Quang Lợi, Phó Trưởng phòng Nhãn hiệu số 5, Trung tâm Thẩm định Nhãn hiệu trình bày); Một số vướng mắc trong quá trình thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có chứa địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý (do bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế trình bày); Thống nhất quan điểm đánh giá tính tương tự của một số cặp hàng hoá/dịch vụ theo quy định hiện hành (do bà Vũ Thị Phương Giang, Trưởng Phòng Nhãn hiệu số 3, Trung tâm Thẩm định Nhãn hiệu trình bày); Đánh giá khả năng phân biệt của nhãn hiệu thông qua việc sử dụng và thừa nhận rộng rãi (do ông Vũ Thanh Bình, Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế trình bày); Một số vấn đề liên quan đến việc bảo hộ nhãn hiệu gồm hai chữ cái (do bà Phạm Thu Hà, Phòng Nhãn hiệu số 4, Trung tâm Thẩm định Nhãn hiệu trình bày) và Một số đề xuất liên quan đến Thông báo kết quả thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu (do ông Nguyễn Đình Quang, Trưởng phòng Nhãn hiệu số 2, Trung tâm Thẩm định Nhãn hiệu trình bày).
Trình bày chuyên đề tại Tọa đàm
Tại phiên thảo luận, với sự điều phối của ông Lưu Đức Thanh - Giám đốc Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế và ông Hoàng Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm Thẩm định Nhãn hiệu, các đại biểu đã tham gia thảo luận, trao đổi quan điểm và đóng góp ý kiến sôi nổi. Một số vấn đề đã được thống nhất hoặc tìm ra cách giải quyết.
Cục trưởng Đinh Hữu Phí phát biểu tại tọa đàm
Phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí đã đánh giá cao hiệu quả và thành công của buổi làm việc. Cục trưởng cũng nhấn mạnh từ những vấn đề đã thống nhất tại Tọa đàm, cần sớm triển khai áp dụng trong công tác thẩm định thời gian tới cũng như khẩn trương tiến hành việc sửa đổi, ban hành quy chế thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu. Cần nghiên cứu, đề xuất việc áp dụng công cụ tra cứu mới hỗ trợ tích cực cho việc thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu cũng như xúc tiến việc trao đổi với đối tác để xem xét khả năng áp dụng Similar Group Code. Lãnh đạo Cục luôn hỗ trợ tối đa để kết quả xử lý đơn ngày càng đạt hiệu quả cao hơn.
Bên lề Tọa đàm, các đại biểu đã có một buổi giao lưu ấm cúng sau thời gian làm việc hiệu quả và tập trung. Đây là hoạt động đầy ý nghĩa giúp mọi người có cơ hội chia sẻ, gắn bó với nhau hơn nhằm nâng cao tinh thần đoàn kết tập thể.
Sau thành công của buổi Tọa đàm, với những giải pháp được đề xuất nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu, tập thể viên chức và người lao động của hai Trung tâm sẽ nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2020 và giai đoạn tiếp theo./.
Trung tâm Thẩm định Nhãn hiệu
Tin mới nhất
- Khai giảng và tổ chức khóa đào tạo chuyên sâu về kỹ năng xác lập quyền đối với nhãn hiệu (tháng 9/2024)
- Ấm áp "Bữa cơm Công đoàn"
- Công đoàn Cục Sở hữu trí tuệ tham dự Hội nghị công tác Công đoàn năm 2024 do Công đoàn Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức
- Diễn đàn đổi mới sáng tạo mở và sáng chế phục vụ phát triển ngành Y dược và công nghệ sinh học Việt Nam
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Lạng Sơn" cho sản phẩm quả Na
Các tin khác
- Buổi trò chuyện chuyên đề “Sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực Dịch vụ - Du lịch - Khách sạn” tại trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng
- Lớp tập huấn Môđun 11-13 cho các cán bộ chuyên trách về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ thuộc Mạng lưới TISC và IP-HUB
- Hội thảo Thúc đẩy đăng ký sáng chế từ kết quả nghiên cứu
- Chào mừng kỷ niệm ngày phụ nữ Việt Nam 20/10
- Tạo lập, quản lý và khai thác quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm trong khuôn khổ Chương trình OCOP