Th 3, 06/02/2024 | 09:30 SA
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Bình Định” cho sản phẩm cây mai vàng
Ngày 25/01/2024, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 19/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00136 cho sản phẩm cây mai vàng“Bình Định”. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này
Mai vàng Bình Định là một trong những loại hoa chơi Tết được nhiều người dân ở địa phương trong cả nước ưa thích. Từ xa xưa, mai vàng của tỉnh Bình Định sinh trưởng và nở hoa trên địa hình núi cao, tạo nên những quần thể rừng mai vàng. Nghề trồng mai vàng ở Bình Định đã có từ lâu đời nhưng phát triển mạnh thành nghề sản xuất hàng hóa từ năm 1975 đến nay. Người chơi mai lựa mua sản phẩm dựa vào tiêu chí “Nhất đế, nhì thân, tam cành, tứ nụ”. Cây mai vàng Bình Định có đặc thù cây nổi rễ ngay từ mặt đất, rễ và đế cây xù xì, nổi u. Cành (chi) cây xoay đều các hướng, dáng xòe phẳng.
Ảnh 1: Mai vàng Bình Định
Mai vàng Bình Định có được đặc thù và danh tiếng như vậy là nhờ điều kiện địa lý tự nhiên và kinh nghiệm trong quá trình chăm sóc của người dân địa phương.
Khu vực địa lý nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, do đó, nhận được lượng bức xạ mặt trời phong phú, nhiệt độ không khí trung bình năm cao, quá trình quang hợp của cây diễn ra thuận lợi. Nhiệt độ không khí cao dẫn đến nhiệt độ mặt đất cao. Và để phù hợp với đặc điểm này người trồng mai vàng Bình Định đã trộn đất phù sa lấy trong khu vực địa lý với xơ dừa đã được xay nhỏ và cát. Đất có phản ứng chua đến hơi chua, phù hợp cho sự phát triển của bộ rễ, kết hợp với đặc thù về phương pháp sản xuất trên giúp cho đất trồng trong chậu thoáng khí, nhờ đó bộ rễ con của cây mai vàng Bình Định phát triển tốt, là tiền đề để tạo bộ đế đẹp.
Nếu như ở địa phương khác (Phú Yên, Đồng Tháp), thời điểm chuyển cây mai vàng (cây con) từ đất ruộng sang chậu trồng khi cây có độ tuổi từ 1-2 năm, thì ở Bình Định, cây con được chuyển sang chậu khi cây có độ tuổi khoảng 9 tháng. Việc chuyển cây mai vàng từ đất ruộng sang chậu trồng sớm hơn sẽ giúp người trồng mai thuận lợi trong chăm sóc bộ rễ. Ngoài ra, không giống địa phương khác sử dụng dây thép để uốn cây, ở Bình Định, người dân chỉ sử dụng cọc tre và lạt tre. Việc chỉ sử dụng vật liệu mềm là cọc tre và lạt tre để uốn thân và cành giúp cho việc tạo tán cây dễ dàng hơn, tán cây dễ tỏa đều 4 hướng và nằm ngang. Kỹ thuật uốn tỉa theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây bằng các vật liệu mềm đã làm ức chế sự sinh trưởng của cây.
Ảnh 2: Ở Bình Định sử dụng cọc tre và lạt tre là những vật liệu mềm để uốn và tạo dáng cho cây
Ảnh 3: Địa phương khác sử dụng dây thép là vật liệu cứng hơi lạt tre tạo dáng cho cây
Ở Bình Định, có 2 thời điểm bón phân quan trọng, đó là vào tháng giêng và tháng 8 - tháng 10 âm lịch. Vào tháng giêng (sau Tết âm lịch), người trồng mai sẽ bón phân kích thích ra rễ. Rễ con phát triển mạnh sẽ giúp người trồng tạo được bộ đế cây mai vàng Bình Định đẹp. Từ tháng 8 – tháng 10 âm lịch, bón phân có lượng kali nhiều hơn để hạn chế nẩy mầm và chuẩn bị phân hóa mầm hoa.
Sự kết hợp giữa các yếu tố tự nhiên và phương thức sản xuất lâu đời đã tạo nên danh tiếng, đặc thù của mai vàng Bình Định.
Khu vực địa lý bao gồm: Thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn, huyện Vân Canh, huyện Tuy Phước, huyện Phù Cát, huyện Tây Sơn, huyện Phù Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh, huyện Hoài Ân và huyện An Lão thuộc tỉnh Bình Định.
Trung tâm Thẩm định chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế!
Tin mới nhất
- Ấm áp "Bữa cơm Công đoàn"
- Dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2023/TT-BKHCN
- Công đoàn Cục Sở hữu trí tuệ tham dự Hội nghị công tác Công đoàn năm 2024 do Công đoàn Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Sơn Tây” cho sản phẩm gà mía
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Trà Vinh” cho sản phẩm quả dừa sáp
Các tin khác
- Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức gặp mặt cán bộ hưu trí nhân dịp năm mới 2024
- Đảng bộ Cục Sở hữu trí tuệ tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024
- Hội thảo “Biện pháp phòng chống đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu” của Nhóm TM5 dành cho Việt Nam
- Khai trương trụ sở làm việc mới của Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Thành phố Hồ Chí Minh
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Huế” cho sản phẩm quả Thanh trà