Th 4, 12/06/2024 | 16:26 CH
Hội thảo giới thiệu “Những điểm mới của pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam - thúc đẩy đổi mới sáng tạo”
Ngày 6-7/6/2024 tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã phối hợp với Dự án IP Key SEA tổ chức Hội thảo giới thiệu “Những điểm mới của pháp luật SHTT Việt Nam - thúc đẩy đổi mới sáng tạo”. Tham dự Hội thảo có Ông Carsten Schittek – Tham tán Công sứ Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, Ông Fabio De Cillis Trưởng Đại diện Văn phòng Thương vụ Italia tại TP. Hồ Chí Minh và Ông Gonzalo Bilbao Giám đốc Dự án IP Key SEA
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục SHTT cho biết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023. Tiếp đó, các Nghị định và Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật cũng đã được ban hành kịp thời. Điều quan trọng hiện nay là đưa các văn bản này vào cuộc sống, đặc biệt là phổ biến các quy định mới và trao đổi về các biện pháp thi hành một cách hiệu quả gắn với các hoạt động sản xuất, kinh doanh của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Trong phần khai mạc hội thảo, Ông Carsten Schittek – Tham tán Công sứ Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cũng nhấn mạnh vai trò của pháp luật SHTT trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc hoàn thiện khung pháp lý về SHTT cũng như thi hành các cam kết về SHTT trong Hiệp định EVFTA. Ông tin tưởng rằng các quy định mới của pháp luật SHTT Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam và Châu Âu tận dụng tối đa các cơ hội để phát triển, mở rộng thị trường.
Toàn cảnh Hội thảo “Những điểm mới của pháp luật SHTT Việt Nam - thúc đẩy đổi mới sáng tạo”
Trong 2 ngày diễn ra hội thảo, các báo cáo viên đến từ Cục SHTT, Cục Bản quyền tác giả, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đã giới thiệu những điểm mới của Luật SHTT năm 2022, các nghị định hướng dẫn thi hành liên quan đến bảo hộ và thực thi: quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; quyền tác giả và quyền liên quan. Những quy định mới hướng đến việc khuyến khích tạo ra, khai thác các đối tượng sở hữu công nghiệp như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn; tạo thuận lợi và đơn giản hóa thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp; đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền SHTT; thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan; bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ quyền SHTT trong quá trình hội nhập. Hội thảo cũng được nghe báo cáo viên đến từ Tổng Cục Hải quan giới thiệu về trình tự, thủ tục, những thuận lợi, thách thức trong quá trình thực thi quyền SHTT tại biên giới và những khuyến nghị đối với chủ sở hữu quyền SHTT nhằm bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi xuất, nhập khẩu hàng hóa qua biên giới.
Bên cạnh đó, hội thảo cũng được nghe các chuyên gia của châu Âu giới thiệu những quy định pháp luật của Châu Âu về quyền tác giả trong môi trường số và bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đặc biệt, các chuyên gia của châu Âu là đại diện các tổ chức quản lý sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, bao gồm Ủy ban liên ngành Rượu Champagne, Hiệp hội Táo Mela Alto Adige, Nghiệp đoàn Rươu vang Consejo Regulador D.O.Ca. Rioja đã chia sẻ kinh nghiệm sử dụng, quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và phát triển chỉ dẫn địa lý sau khi được bảo hộ. Đây là những thông tin, kiến thức hữu ích với các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam.
Từ phía doanh nghiệp, đại diện của của Công ty Luật TNHH ROUSE tại Việt Nam đã tham luận về những quy định mới của Luật sở hữu trí tuệ dưới góc độ công cụ để phát triển doanh nghiệp. Đại diện Piaggio tại Việt Nam đã tham luận về những thách thức đối với việc bảo hộ và thực thi quyền SHTT, qua đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất đối với các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan thực thi quyền SHTT nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp khai thác, phát triển tài sản trí tuệ phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Các báo cáo viên và đại biểu tham dự đã tập trung trao đổi, thảo luận về những khó khăn, thách thức đối với việc bảo hộ và thực thi quyền SHTT tại Việt Nam từ phía các doanh nghiệp cũng như từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo dựa trên quyền SHTT, nâng cao năng lực khai thác quyền SHTT giúp việc sản xuất, kinh doanh ngày càng hiệu quả.
Bên lề hội thảo có tổ chức khu trưng bày các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ của Việt Nam và Châu Âu nhằm giới thiệu đến các đại biểu kinh nghiệm xây dựng, khai thác, phát triển chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực của địa phương.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, ông Trần Lê Hồng đánh giá cao sự hỗ trợ của Dự án IP Key SEA trong tổ chức hội thảo nói riêng và trong thúc đẩy các hoạt động SHTT của Việt Nam và khu vực ASEAN nói chung. Ông cho rằng những thông tin, kiến thức và kinh nghiệm mà các báo cáo viên chia sẻ, trao đổi tại Hội thảo không chỉ mới mà còn có thể trở thành công cụ quan trọng, hữu hiệu giúp các cơ quan quản lý Nhà nước nâng cao hiệu quả quản lý, giúp các doanh nghiệp cả của Việt Nam và của Châu Âu ngày càng thành công hơn trên thị trường. Ông Gonzalo Bilbao phát biểu bế mạc đã đánh giá cao và ghi nhận thành công của Hội thảo.
Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn
Một số hình ảnh tại Hội thảo
Tin mới nhất
- Hội thảo khoa học về Sở hữu trí tuệ và Quản lý tài sản trí tuệ tại Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh
- Thông báo tổ chức lớp tập huấn “Xây dựng và bảo vệ nhãn hiệu tại Việt Nam và một số thị trường xuất khẩu trọng điểm”
- Diễn đàn đổi mới sáng tạo mở và sáng chế phục vụ phát triển ngành Y dược và công nghệ sinh học Việt Nam
Các tin khác
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm nghêu
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” cho sản phẩm nước mắm
- Lớp tập huấn chuyên sâu về sở hữu trí tuệ dành cho cán bộ quản lý KH&CN, sở hữu trí tuệ của địa phương năm 2024
- Thông báo Kêu gọi đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ dự kiến thực hiện từ năm 2025
- Mạng lưới các Trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (TISC) - Nền tảng quan trọng thúc đẩy nghiên cứu hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững