Th 2, 26/07/2021 | 10:00 SA

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết Tương phản

Tuyên truyền, phát triển tài sản trí tuệ: Hiệu quả từ đổi mới tiếp cận và triển khai đồng bộ

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế tri thức, sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày càng đóng vai trò quan trọng, là yếu tố cốt lõi để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, bảo đảm môi trường đầu tư, duy trì lợi thế cạnh tranh quốc gia.

Trong bối cảnh dư địa phát triển dựa vào tài nguyên và lao động ngày càng cạn kiệt thì nguồn lực phát triển dựa vào tài sản trí tuệ (TSTT) ngày càng trở nên quan trọng. Vì vậy Việt Nam cũng như tất cả các quốc gia ngày càng quan tâm đến vấn đề SHTT, coi đó là một yếu tố không thể tách rời trong các chính sách phát triển kinh tế, xã hội. Điều này thể hiện rõ trong việc SHTT luôn là một nội dung quan trọng trong quá trình đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và các thỏa thuận hợp tác quốc tế về đổi mới sáng tạo.

Thời gian qua, nhiều hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về SHTT và phát triển TSTT đã được quan tâm và từng bước được đẩy mạnh triển khai, đổi mới với những hướng tiếp cận phù hợp, đa dạng và linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của lộ trình phát triển theo từng giai đoạn khác nhau, từng chủ thể khác nhau trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ được triển khai dưới các hình thức đa dạng

Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT đã được triển khai, duy trì thường xuyên, liên tục theo định hướng tiếp cận đa chiều giúp tiếp cận sâu hơn các chủ thể SHTT khác nhau, đã góp phần tạo chuyển biến tích cực nhận thức của các cấp, ngành và toàn xã hội về SHTT. 

Nhằm đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến quy định về SHTT trong khuôn khổ của Hiệp định thương mại tự do EVFTA, Cục SHTT đã phối hợp với Đài truyền hình Hà Nội tổ chức tọa đàm “Thực thi hiệu quả các cam kết về sở hữu trí tuệ trong EVFTA”, xây dựng và phát sóng phóng sự giới thiệu về quy định của Hiệp định EVFTA trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ với các nội dung chính: Chỉ dẫn địa lý trong EVFTA, Nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp khi thực thi EVFTA, Cam kết quyền sở hữu trí tuệ trong EVFTA: Người tiêu dùng hưởng lợi; phối hợp cùng Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ”.  

Trong quá trình Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế thông qua đàm phán, ký kết và thực thi các Hiệp định thương mại tự do, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài. Buổi toạ đàm trực tuyến “Bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài cho các doanh nghiệp Việt Nam” đã nhận được nhiều sự quan tâm, theo dõi của cộng đồng trên các nền tảng kỹ thuật số của báo điện tử VnExpress, cung cấp thông tin hữu ích về sở hữu trí tuệ mà doanh nghiệp cần lưu ý khi đưa sản phẩm, dịch vụ của mình ra thị trường nước ngoài.

Các chuyên gia tại buổi Toạ đàm trực tuyến “Bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài cho các doanh nghiệp Việt Nam”. Nguồn ảnh: VnExpress

Hưởng ứng Ngày sở hữu trí tuệ thế giới 26/4/2021, Cục đã tổ chức các hoạt động chào mừng thực hiện rộng khắp trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Trong đó, một hoạt động được triển khai rất hiệu quả là tổ chức đoàn khảo sát thực tế cho khoảng 20 nhà báo tới tham quan và tìm hiểu  hoạt động của hợp tác xã sản xuất mỳ Chũ và thực địa vườn vải thiều Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang nhân sự dịp CDĐL vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ tại Nhật Bản. Nhân dịp này các phóng viên đã có dịp tham dự Hội nghị xúc tiến thương mại cho vải thiều của huyện Lục Ngạn; buổi Lãnh đạo Cục SHTT trao đổi thông tin chuyên môn với báo chí về việc các kênh truyền thông đưa tin gạo ST25 bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký ở Hoa Kỳ để các phóng viên hiểu rõ và đưa tin đúng với thực trạng. 

Một số sự kiện được tổ chức phối hợp với các đơn vị khác được triển khai hiệu quả theo đề xuất của các đơn vị cũng như trong khuôn khổ các thỏa thuận hợp tác giữa các đơn vị với Cục. Hình thức phối hợp tổ chức có sự đóng góp nguồn lực của các đơn vị khác để tổ chức với quy mô nhỏ phù hợp nhu cầu từng đơn vị đã phát huy được hiệu quả bước đầu, đáp ứng nhu cầu và đặc thù khác nhau của các đơn vị phối hợp. Việc áp dụng những hình thức tổ chức mới, nội dung tiếp cận mới đã góp phần nâng cao chất lượng tuyên truyền, đưa SHTT đến gần hơn nữa với đời sống xã hội và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của cộng đồng, doanh nghiệp.

Hoạt động phát triển tài sản trí tuệ được chú trọng triển khai theo hướng đưa vào ứng dụng trong sản xuất 

Thời gian qua, Cục SHTT đã phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức để hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền SHTT và ứng dụng vào thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh thông qua các dự án điển hình áp dụng thành công các sáng chế đã được bảo hộ, qua đó góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, gia tăng TSTT phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Các dự án đều có sự phối hợp tham gia của doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp là đối tượng nhận chuyển giao và ứng dụng sáng chế.

Một số dự án điển hình có thể kể đến như Dự án “Áp dụng giải pháp hữu ích số 935 về quy trình sản xuất sản phẩm giàu axit béo omega-3 để tạo thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung EPA, DHA chất lượng cao” do Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam chủ trì thực hiện. Kết quả dự án là áp dụng giải pháp hữu ích để sản xuất thành công viên nang mềm omega-3, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế tại Thông tư 43/2014/TT-BYT. Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Nature Việt Nam là doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao giải pháp hữu ích, bố trí kinh phí đối ứng và phân phối sản phẩm. 

Mô hình thử nghiệm phân HCVS, HC khoáng trên cây cà phê thuộc dự án “Áp dụng các sáng chế số 7913, 9529 và giải pháp hữu ích HI-0201 để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phân thải chăn nuôi, bùn mía và than bùn tại tỉnh Gia Lai” tại xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai

Dự án “Áp dụng các sáng chế số 7913, 9529 và giải pháp hữu ích HI-0201 để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phân thải chăn nuôi, bùn mía và than bùn tại tỉnh Gia Lai” do Công ty cổ phần phân bón Fitohoocmon chủ trì thực hiện. Dự án được xây dựng và triển khai thành công đã tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương là than bùn, phân thải từ các trang trại chăn nuôi và phế thải của các nhà máy chế biến đường, do đó sẽ giảm được chi phí vận chuyển, chi phí sản xuất, mang lại doanh thu gần 2 tỷ đồng và góp phần nâng cao lợi nhuận cho Công ty gần 320 triệu đồng. Các sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh, hữu cơ khoáng của dự án hoàn toàn phù hợp với nhu cầu thực tiễn tại địa phương và có tiềm năng về thị trường lớn. Đây là một trong những yếu tố thuận lợi giúp cho dự án có khả năng nhân rộng và phát triển bền vững.

Dự án “Áp dụng sáng chế số 7430 để xây dựng hệ thống xử lý nước rỉ rác từ bãi chôn lấp rác thải quy mô cấp huyện” để xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước rỉ rác, công suất xử lý 50m3 nước rỉ rác/ngày đêm và chất lượng nước sau khi xử lý đáp ứng giá trị quy định cột B, QCVN 25:2009/BTNMT do Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, ĐHBK Hà Nội (chủ sở hữu sáng chế) chủ trì thực hiện. Dự án được triển khai thực tiễn để xử lý rác thải tại bãi chôn lấp rác thải của thành phố Móng Cái và huyện Hải Hà, đơn vị phối hợp là Công ty Cổ phần Xử lý chất thải Miền Đông cung cấp mặt bằng triển khai, đóng góp toàn bộ vốn đối ứng cho dự án, phối hợp triển khai dự án ngoài hiện trường, đồng thời, là đơn vị tiếp nhận và ứng dụng sáng chế.

Trong khuôn khổ của Chương trình phát triển TSTT giai đoạn 2016-2020, đã có khoảng 600 lượt doanh nghiệp được hỗ trợ về SHTT, trong đó có nhiều đơn vị, doanh nghiệp lớn điển hình như Tập đoàn dệt may Việt Nam, Hiệp hội da giày túi xách Việt Nam, tập đoàn DABACO…. Gần 200 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù của địa phương được hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền SHTT và đưa vào sản xuất kinh doanh. Nhiều sản phẩm sau khi được bảo hộ đã được người tiêu dùng biết đến rộng rãi, uy tín sản phẩm được nâng cao, giá trị sản phẩm gia tăng đáng kể như cam Cao Phong, nước mắm Phú Quốc, vải thiều Lục Ngạn, bưởi Năm Roi Bình Minh… 

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên cho đến nay, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về SHTT vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu từ cộng đồng. Hoạt động phát triển và thúc đẩy thương mại hóa TSTT, đòi hỏi có các giải pháp sáng tạo, khác biệt, độc đáo hơn nữa. Trong thời gian tới, hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về SHTT và hỗ trợ phát triển TSTT cần tiếp tục đổi mới cách tiếp cận, có các giải pháp triển khai đồng bộ và sáng tạo hơn để trả lời được câu hỏi làm thế nào để đưa SHTT thực sự trở thành công cụ hữu hiệu thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững kinh tế, văn hóa, xã hội./.

Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn