Th 2, 14/01/2019 | 14:28 CH

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết Tương phản

Chương trình hợp tác thẩm định sáng chế ASEAN (ASPEC)

Chương trình hợp tác thẩm định sáng chế ASEAN (ASPEC)

1. Giới thiệu

Chương trình Hợp tác Thẩm định Sáng chế ASEAN (ASEAN Patent Examination Cooperation – sau đây gọi tắt là Chương trình ASPEC) là dự án hợp tác về thẩm định sáng chế đầu tiên trong khu vực ASEAN. Chương trình bắt đầu được triển khai vào ngày 15 tháng 6 năm 2009. Chương trình ASPEC cho phép các cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia thành viên ASEAN tham gia chương trình sử dụng kết quả tra cứu và thẩm định của một cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia khác trong ASEAN làm tài liệu tham khảo khi thực hiện công tác tra cứu và thẩm định.

Mục tiêu của Chương trình ASPEC:

Tiết giảm khối lượng công việc và rút ngắn thời gian thẩm định nội dung: Việc tham khảo kết quả tra cứu và thẩm định của một cơ quan sở hữu trí tuệ khác trong ASEAN giúp thẩm định viên tiết kiệm thời gian dành cho công tác tra cứu và thẩm định, qua đó rút ngắn thời gian xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế.

Cải thiện chất lượng tra cứu và thẩm định: Việc tham khảo kết quả tra cứu và thẩm định của một cơ quan sở hữu trí tuệ khác trong ASEAN giúp nâng cao khả năng truy cập các cơ sở dữ liệu mà trước đó thẩm định viên không truy cập được (ví dụ cơ sở dữ liệu được thể hiện bằng ngôn ngữ bản địa của các nước ASEAN), qua đó cải thiện chất lượng tra cứu và thẩm định.

Hiện có 9 cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia thành viên ASEAN tham gia chương trình gồm Brunei Darussalam, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippin, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia thành viên ASEAN tham gia chương trình sử dụng kết quả tra cứu và thẩm định nhận được trong Chương trình ASPEC làm tài liệu tham khảo khi thẩm định các đơn đăng ký sáng chế yêu cầu áp dụng Chương trình ASPEC. Cơ quan này không có nghĩa vụ bắt buộc chấp nhận kết quả tra cứu và thẩm định của cơ quan sở hữu trí tuệ khác. Cơ quan này có toàn quyền thực hiện công tác tra cứu và thẩm định theo quy định của pháp luật quốc gia.

Khi yêu cầu áp dụng Chương trình ASPEC tại một cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia thành viên ASEAN tham gia chương trình phù hợp với các quy định của cơ quan đó, đơn đăng ký sáng chế sẽ được thẩm định nội dung trong thời gian từ 6 đến 9 tháng kể từ ngày nộp yêu cầu áp dụng Chương trình ASPEC hoặc từ ngày đơn được công bố nếu yêu cầu áp dụng Chương trình ASPEC được nộp trước khi đơn được công bố.

2. Điều kiện áp dụng Chương trình ASPEC

Để áp dụng Chương trình ASPEC tại Việt Nam, cần có đơn tương đương nộp tại cơ quan sở hữu trí tuệ khác tham gia chương trình (sau đây gọi tắt là Cơ quan thứ nhất), trong đó đơn tương đương nộp tại Cơ quan thứ nhất là đơn thoả mãn một trong số các điều kiện sau:

(i) Đơn nộp tại Việt Nam yêu cầu hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở đơn ưu tiên nộp tại Cơ quan thứ nhất theo Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp (sau đây gọi tắt là Công ước Paris):

(ii) Đơn nộp tại Cơ quan thứ nhất yêu cầu hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở đơn ưu tiên nộp tại Việt Nam theo Công ước Paris:

(iii) Đơn nộp tại Việt Nam và đơn nộp tại Cơ quan thứ nhất cùng yêu cầu hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở (các) đơn ưu tiên nộp tại nước thứ ba là thành viên Công ước Paris hoặc thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO):

(iv) Đơn nộp tại Việt Nam và đơn nộp tại Cơ quan thứ nhất được nộp trên cơ sở cùng một đơn đăng ký sáng chế theo Hiệp ước hợp tác về sáng chế (sau đây gọi tắt là “đơn PCT”):

3. Thủ tục áp dụng Chương trình ASPEC

Để yêu cầu áp dụng Chương trình ASPEC, người nộp đơn phải nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ tờ khai yêu cầu áp dụng Chương trình ASPEC theo mẫu (sau gọi tắt là tờ khai ASPEC) tại thời điểm bất kỳ từ khi nộp đơn đến trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ hoặc quyết định cấp văn bằng bảo hộ. (Mẫu tờ khai ASPEC có thể được tải xuống tại đây (link đến Tờ khai ASPEC tại chữ “tại đây”)). Theo cách khác, người nộp đơn có thể nộp tờ khai ASPEC điện tử qua công cụ e-ASPEC tại địa chỉ: https://www.aseanip.org/Services/ASEAN-Patent-Examination-Co-operation-ASPEC/Online-Application.

Tờ khai ASPEC phải được nộp kèm theo các tài liệu sau:

Bản sao Báo cáo tra cứu và thẩm định (sau đây gọi tắt là Tài liệu tối thiếu) của đơn tương đương được thực hiện bởi Cơ quan thứ nhất; và

Bản sao yêu cầu bảo hộ được đề cập đến trong Tài liệu tối thiểu với ít nhất một điểm yêu cầu bảo hộ trong đó được Cơ quan thứ nhất đánh giá là đáp ứng các điều kiện bảo hộ.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng Tài liệu tối thiểu, tờ khai ASPEC có thể được nộp kèm (nhưng không bắt buộc) theo Bảng so sánh sự tương đồng của yêu cầu bảo hộ (Claims Correspondence Table) nhằm so sánh mức độ tương đồng giữa yêu cầu bảo hộ của đơn được thẩm định tại Cục Sở hữu trí tuê và yêu cầu bảo hộ của đơn tương đương được tra cứu và thẩm định tại Cơ quan thứ nhất.

Việc chỉ nộp bản sao văn bằng bảo hộ được cấp ở Cơ quan thứ nhất mà không nộp Tài liệu tối thiểu bị coi là không đủ điều kiện để áp dụng Chương trình ASPEC.

Người nộp đơn chỉ phải nộp tài liệu đối chứng được trích dẫn trong Tài liệu tối thiểu khi Cục Sở hữu trí tuệ yêu cầu.

Tất cả các tài liệu được sử dụng trong Chương trình ASPEC đều phải được thể hiện bằng tiếng Anh và không phải dịch ra tiếng Việt.

Bản dịch tiếng Anh của các tài liệu được sử dụng trong Chương trình ASPEC đều phải có cam kết của chủ đơn hoặc của đại diện của chủ đơn bảo đảm là dịch nguyên văn từ bản gốc.

Người nộp đơn không phải nộp phí, lệ phí khi nộp các tài liệu nêu trong mục 3.1, 3.2, 3.3, 3.4, 3.5 và 3.7.

4. Để được cung cấp thông tin về Chương trình ASPEC, có thể liên lạc theo địa chỉ sau:

        - E-mail: aspec@noip.gov.vn;

        - Điện thoại: (+84) 24 38 58 52 23.