Th 6, 22/12/2023 | 11:31 SA
Cục Sở hữu trí tuệ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với Cơ quan Sở hữu trí tuệ châu Âu
Được sự cho phép của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, từ ngày 11-12/12/2023, đoàn công tác của Cục Sở hữu trí tuệ, do Cục trưởng Lưu Hoàng Long làm Trưởng đoàn, đã có chuyến thăm và làm việc tại Tây Ban Nha.
Đoàn công tác của Cục Sở hữu trí tuệ chụp ảnh lưu niệm với các cán bộ của Cơ quan Sở hữu trí tuệ châu Âu (EUIPO)
Trong khuôn khổ chuyến công tác, ngày 11/12/2023, tại trụ sở của Cơ quan Sở hữu trí tuệ châu Âu (EUIPO) tại thành phố Alicante, Đoàn công tác đã tham dự Cuộc họp cấp Cục trưởng giữa Cục Sở hữu trí tuệ và EUIPO.
Tại Cuộc họp, ông João Negrão, Tổng Giám đốc điều hành của EUIPO đã chia sẻ một số thông tin tổng quan về EUIPO và tình hình phát triển của EUIPO.
Với chức năng là cơ quan sở hữu trí tuệ của Liên minh châu Âu có chức năng quản lý việc đăng ký nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp trên phạm vi Liên minh châu Âu, năm 2022, EUIPO đã tiếp nhận 180,000 đơn đăng ký nhãn hiệu và 100,000 đơn đăng ký kiểu dáng.
Ông João Negrão chia sẻ EUIPO mới có thêm chức năng về đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm thủ công, công nghiệp sau khi Quy chế của Liên minh châu Âu về bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm thủ công, công nghiệp được thông qua ngày 27/11/2023 (các sản phẩm nông nghiệp vẫn đăng ký với Ủy ban châu Âu). Các nhà sản xuất có thể bắt đầu nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm trên từ ngày 01/12/2025.
Ngoài ra, EUIPO cũng phụ trách quản lý Mạng lưới Theo dõi về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Liên minh châu Âu (European Observatory on Infringements of Intellectual Property Rights). Đây là một mạng lưới bao gồm các chuyên gia và các đại diện ở khu vực công - tư, không có chức năng thực thi quyền sở hữu trí tuệ một cách trực tiếp, mà thay vào đó là thúc đẩy, hỗ trợ các đối tượng chủ thể quyền trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ thông qua sử dụng kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm của các thành viên trong mạng lưới.
Các hoạt động hợp tác quốc tế của EUIPO hiện đang được triển khai đa dạng, theo 03 cách thức tiếp cận: (i) thông qua kênh hợp tác song phương, đa phương; (ii) thông qua các dự án do Liên minh châu Âu tài trợ; (iii) thông qua mạng lưới các tùy viên SHTT của EUIPO. Hiện nay, Cục Sở hữu trí tuệ hợp tác với EUIPO thông qua cả 03 cách thức trên.
Một số điểm nhấn trong hoạt động hợp tác quốc tế của EUIPO thời gian qua có thể kể đến: thiết lập quan hệ hợp tác với 90 quốc gia; thúc đẩy cơ chế hợp tác TM5 và ID5 trong nhóm 5 cơ quan sở hữu trí tuệ hàng đầu thế giới (Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ); duy trì quan hệ hợp tác chặt chẽ với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) để thúc đẩy các hệ thống đăng ký quốc tế nhãn hiệu và kiểu dáng.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của EUIPO hiện nay là Kế hoạch chiến lược 2025 để đưa ra tầm nhìn, định hướng, mục tiêu phát triển của EUIPO cho giai đoạn 05 năm tiếp theo.
Thay mặt Đoàn, Cục trưởng Lưu Hoàng Long đã chúc mừng các thành tựu đạt được của EUIPO.
Cục trưởng cũng cảm ơn EUIPO đã hợp tác, phối hợp chặt chẽ với Cục Sở hữu trí tuệ trong triển khai nhiều hoạt động hợp tác thời gian qua. Các hoạt động này đã hỗ trợ Cục Sở hữu trí tuệ trong việc nâng cao nhận thức, chuyên môn cho các chủ thể liên quan trong hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam thông qua các khóa đào tạo trực tuyến với chủ đề phong phú do EUIPO tổ chức; học hỏi kinh nghiệm và phương pháp luận nhằm triển khai các nghiên cứu liên quan đến sở hữu trí tuệ do Cục Sở hữu trí tuệ chủ trì trong tương lai; từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu tra cứu hữu hiệu hơn về nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp nhằm phục vụ cho người nộp đơn và chủ thể liên quan của các Bên, qua đó thúc đẩy việc đăng ký sở hữu trí tuệ và mang lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội.
Cục trưởng Lưu Hoàng Long cũng chia sẻ một số thông tin về tình hình phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam, như việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia đến năm 2030; Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; và tình hình gia nhập một số điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ.
Nhân dịp này, Cục trưởng cũng đã gửi lời mời ông João Negrão, Tổng Giám đốc hành và các đồng nghiệp tại EUIPO sang thăm và làm việc tại Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội vào một dịp thuận tiện gần nhất.
Cuộc họp song phương cấp Cục trưởng giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Cơ quan Sở hữu trí tuệ châu Âu
Sau Cuộc họp song phương cấp Cục trưởng, Cục trưởng Lưu Hoàng Long và ông João Negrão, Tổng Giám đốc hành của EUIPO đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác song phương giữa hai Cơ quan.
Các nội dung hợp tác trong Bản ghi nhớ bao gồm: (i) Phát triển công cụ thông tin; (ii) Phát triển hệ thống công nghệ thông tin để quản trị sở hữu trí tuệ; (iii) Phân loại và xây dựng cơ sở dữ liệu sở hữu công nghiệp; (iv) Hài hòa hóa thực tiễn thẩm định nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp; (v) Hoạt động kết nối và nâng cao nhận thức; (vi) Chương trình đào tạo; (vii) Tổ chức các cuộc họp chuyên gia về nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp; (viii) Thống kê nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp; (ix) Chương trình trao đổi và biệt phái chuyên gia và cán bộ; (x) Hệ thống quản lý chất lượng; (xi) Nghiên cứu về các khía cạnh kinh tế của quyền SHTT; và (xii) Các vấn đề khác.
Hai Bên thống nhất sẽ tiếp tục thảo luận xây dựng kế hoạch hợp tác trong thời gian tới trên cơ sở Bản ghi nhớ đã ký kết.
Cục trưởng Lưu Hoàng Long và ông João Negrão, Tổng Giám đốc hành của EUIPO ký kết Bản ghi nhớ hợp tác song phương giữa hai Cơ quan
Cục trưởng viết lưu bút vào Sổ vàng lưu niệm của EUIPO
Sau khi ký kết Bản ghi nhớ năm 2023, làm cơ sở cho việc chia sẻ dữ liệu, hai Bên đã chính thức công bố việc tích hợp dữ liệu nhãn hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ vào hệ thống TMView.
Công cụ tra cứu TMview hiện cung cấp thông tin về tổng cộng hơn 118 triệu nhãn hiệu, từ dữ liệu của hơn 77 quốc gia, có thể truy cập trực tuyến, tại bất kỳ thời điểm nào và hoàn toàn miễn phí.
Chính thức tích hợp dữ liệu nhãn hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ vào hệ thống TMView (nguồn: IPKey)
Trong khuôn khổ chuyến công tác, hai Bên cũng đã phối hợp triển khai một số hoạt động bên lề như: Chia sẻ thông tin về các công nghệ mới nổi (AI, Blockchain) được áp dụng để phục vụ công tác chuyên môn tại EUIPO; Giới thiệu tổng quan về Mạng lưới Theo dõi về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Liên minh châu Âu; Chia sẻ về nội dung liên quan đến đăng ký nhãn hiệu tại châu Âu với dụng ý xấu (bad faith filings); khảo sát học hỏi kinh nghiệm xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý của châu Âu./.
Phòng Hợp tác quốc tế
Tin mới nhất
- Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao lần thứ 3 Vành đai và Con đường về Sở hữu trí tuệ và các sự kiện liên quan
- Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy tham dự Đại hội đồng WIPO 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ đăng cai tổ chức Cuộc họp lần thứ 72 AWGIPC và các sự kiện bên lề diễn ra từ ngày 22-26/4/2024 tại Đà Nẵng và Huế
- Mạng lưới các Trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (TISC) - Nền tảng quan trọng thúc đẩy nghiên cứu hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững
- Hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững: Vai trò của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới
Các tin khác
- Khảo sát kinh nghiệm quản lý sở hữu trí tuệ tại Canada
- Tăng 2 bậc, Việt Nam xếp thứ 46 chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2023
- ASEAN và WIPO ký kết Bản ghi nhớ về mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực cụ thể
- Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang tham dự Đại hội đồng WIPO năm 2023
- Khai mạc Phiên họp Đại hội đồng WIPO 2023