Th 2, 05/03/2018 | 09:39 SA
Cục Sở hữu trí tuệ tham dự Diễn đàn cấp cao về sở hữu trí tuệ tại Nhật Bản
Từ ngày 22 - 23/2/2018, đoàn đại biểu của Cục Sở hữu trí tuệ do Cục trưởng Đinh Hữu Phí dẫn đầu đã tham dự Diễn đàn cấp cao tại Tokyo, Nhật Bản...
Từ ngày 22 - 23/2/2018, đoàn đại biểu của Cục Sở hữu trí tuệ do Cục trưởng Đinh Hữu Phí dẫn đầu đã tham dự Diễn đàn cấp cao về sở hữu trí tuệ do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO) phối hợp tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản. Đây là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 30 năm thành lập Quỹ Tín thác Nhật Bản. Tham dự Diễn đàn có 150 đại biểu đến từ hơn 60 quốc gia trên thế giới.
Mục đích của sự kiện quan trọng này là tạo ra một diễn đàn cho các nước tham dự thảo luận về cách thức sử dụng hệ thống sở hữu trí tuệ (SHTT) để phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội. Theo đó, nhiều quốc gia tham dự Diễn đàn đã chia sẻ kinh nghiệm liên quan trong khuôn khổ các chủ đề: (i) Những thay đổi của Hệ thống SHTT nhằm đáp ứng xu thế phát triển qua thời gian; (ii) Những thách thức mới và sáng kiến về chính sách SHTT nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo;(iii) Những sáng kiến xây dựng hệ thống CNTT và cung cấp thông tin SHTT hữu ích nhằm bảo hộ và khai thác hợp lý và kịp thời các quyền SHTT; và (iv) Những sáng kiến phát triển và quản lý nguồn nhân lực nhằm tăng cường hiệu quả của hệ thống SHTT.
Tại Diễn đàn, Lãnh đạo Cơ quan SHTT của hơn 60 quốc gia đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về một số thách thức mà hệ thống SHTT đang phải đối mặt như tình trạng tồn đơn, vấn đề sở hữu trí tuệ và Cuộc cách mạng 4.0, sở hữu trí tuệ với đổi mới, sáng tạo, v.v. Giải pháp đề xuất để giải quyết các vấn đề trên là phải nâng cao chất lượng dịch vụ của các Cơ quan SHTT, thúc đẩy hơn nữa việc sử dụng các dịch vụ sở hữu trí tuệ toàn cầu thông qua các hệ thống PCT, Madrid và La Hay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh sự kết nối giữa Cơ quan SHTT với các chủ thể trong hệ sinh thái SHTT và tăng cường hợp tác quốc tế về SHTT. Nhiều dự án thành công trong khuôn khổ hỗ trợ của Quỹ Tín thác Nhật Bản thông qua chương trình phát triển của WIPO đã được nhiều quốc gia thụ hưởng chia sẻ tại Diễn đàn. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều từ Quỹ Tín thác Nhật Bản trong suốt 30 năm qua thông qua chương trình hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, dự án số hóa dữ liệu bằng sáng chế, và nhiều dự án khác đã, đang và sẽ được triển khai trong thời gian tới.
Lãnh đạo các Cơ quan SHTT tham dự Diễn đàn cấp cao về SHTT do WIPO và JPO phối hợp tổ chức từ ngày 22 - 23/02/2018 tại Tokyo, Nhật Bản
Nhân dịp tham dự Diễn đàn, Đoàn Việt Nam đã có các cuộc gặp song phương với Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO), Viện Sở hữu công nghiệp quốc gia Brazil (INPI Brazil) và một số cơ quan chức năng của WIPO.
Tại buổi làm việc với bà Naoko Munakata, Tổng cục trưởng JPO, Cục trưởng Đinh Hữu Phí đã cảm ơn Nhật Bản về sự hỗ trợ quý báu dành cho Việt Nam trong lĩnh vực SHTT thông qua Quỹ Tín thác WIPO – Nhật Bản và các kênh hợp tác song phương. Lãnh đạo hai Cơ quan SHTT đã nhất trí thành lập Nhóm công tác về Sáng chế để thảo luận về PPH, phát triển nguồn nhân lực và quản lý chất lượng thẩm định sáng chế. Kết thúc buổi làm việc, Lãnh đạo hai Cơ quan SHTT đã cùng nhau ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa hai Cơ quan. Theo đó JPO sẽ hỗ trợ Cục SHTT hoàn thiện chính sách về SHTT nhằm nâng cao hiệu quả bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ; nâng cao năng lực thẩm định đơn SHCN; đẩy mạnh quá trình tự động hóa hệ thống quản trị đơn SHCN; nâng cao nhận thức của công chúng và phát triển nguồn nhân lực, cũng như thúc đẩy các chương trình hợp tác về chia sẻ công việc.
Cục trưởng Đinh Hữu Phí và Tổng Cục trưởng Naoko Munakata ký Thỏa thuận hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Cơ quan Sáng chế Nhật Bản
Tại buổi tiếp ông Luiz Otávio Pimentel, Viện trưởng Viện Sở hữu công nghiệp Brazil (INPI), Cục trưởng Đinh Hữu Phí cho biết hai nước nói chung và hai Cơ quan nói riêng có nhiều tiềm năng để hợp tác. Việt Nam và Brazil đều là các nước sản xuất nông nghiệp, có nền văn hóa đa dạng và giàu bản sắc dân tộc. Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, hai Cơ quan có tiềm năng hợp tác về chỉ dẫn địa lý, bảo hộ SHTT đối với nguồn gen, tri thức truyền thống và văn hóa dân gian. Nhân dịp này, Cục trưởng Đinh Hữu Phí đã mời ông Viện trưởng thăm Việt Nam trong dịp Tổng thống Brazil thăm chính thức Việt Nam dự kiến vào Quý 3 năm 2018. Viện trưởng Luiz Otávio Pimentel đồng tình với các ý kiến của Cục trưởng Đinh Hữu Phú và cho biết với cương vị của mình, sẽ thiết lập quan hệ hợp tác với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, nhằm góp phần thúc đẩy hợp tác về thương mại – đầu tư giữa hai nước. Ông Viện trưởng bày tỏ mong muốn Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam sẽ tham gia nhiều hơn vào các vấn đề bảo hộ SHTT đối với nguồn gen, tri thức truyền thống và văn hóa dân gian tại WIPO.
Cục trưởng Đinh Hữu Phí làm việc với Viện trưởng Viện SHCN Brazil Luiz Otávio Pimentel
Cục trưởng Đinh Hữu Phí tiếp ông Yoshiyuki Takagi, Trợ lý Tổng Giám đốc, kiêm Trưởng Ban Phát triển hạ tầng CNTT toàn cầu (WIPO)
Tại buổi làm việc với ông Yoshiyuki Takagi, Trợ lý Tổng Giám đốc, kiêm Trưởng Ban Phát triển hạ tầng CNTT toàn cầu và ông Andrew Ong, Vụ trưởng Vụ Châu Á – Thái Bình Dương của WIPO, Cục trưởng Đinh Hữu Phí thông báo về tiến độ các chương trình hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và WIPO, đồng thời thảo luận về kế hoạch triển khai các hoạt động tiếp theo trong khuôn khổ các chương trình hợp tác này. Phụ trách các cơ quan chức năng của WIPO bày tỏ sự hài lòng về tinh thần hợp tác của Cục SHTT và tiến độ triển khai các chương trình hợp tác, đồng thời khẳng định WIPO sẽ tiếp tục phối hợp với Cục SHTT triển khai thành công các Dự án Xây dựng Chiến lược SHTT quốc gia, Dự án Xây dựng Phần mền quản trị đơn SHCN (WIPO IPAS), Dự án IP-Hub, Dự án Kiểm toán nguồn nhân lực và quản trị Cơ quan SHTT và hỗ trợ Việt Nam gia nhập thành công Thỏa ước La-hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp./.
Phòng Hợp tác quốc tế
Tin mới nhất
- Công đoàn Cục Sở hữu trí tuệ tham dự Hội nghị công tác Công đoàn năm 2024 do Công đoàn Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức
- Diễn đàn đổi mới sáng tạo mở và sáng chế phục vụ phát triển ngành Y dược và công nghệ sinh học Việt Nam
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Lạng Sơn" cho sản phẩm quả Na
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Lạng sơn" cho sản phẩm mác mật
- Hội thảo giới thiệu “Những điểm mới của pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam - thúc đẩy đổi mới sáng tạo”
Các tin khác
- Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Ô Loan” cho sản phẩm sò huyết
- Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Bà Rịa - Vũng Tàu” cho sản phẩm hạt tiêu đen
- Nhật Bản giúp Việt Nam nâng cao năng lực thẩm định sáng chế
- Hội nghị đại biểu cán bộ, công chức, viên chức Cục Sở hữu trí tuệ năm 2017
- Khóa đào tạo về Thẩm định dấu hiệu trang trí thương mại ba chiều và nhãn hiệu phi truyền thống