1. Công tác xây dựng và tổ chức triển khai các văn bản về sở hữu trí tuệ
a) Công tác tổ chức triển khai Chiến lược SHTT đến năm 2030
Sau hơn ba năm kể từ khi được ban hành, đến nay Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 đã bắt đầu đi vào cuộc sống, các Bộ, ngành và địa phương đã triển khai nhiều hoạt động với nội dung, cách thức và phạm vi khác nhau để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chiến lược. Thực hiện nhiệm vụ là đầu mối theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện Chiến lược trên cả nước, ngày 23/02/2022, Bộ KH&CN đã trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo số 343/BC-BKHCN về tình hình triển khai thực hiện Chiến lược SHTT của các Bộ, ngành, địa phương trong năm 2021 trên cơ sở tổng hợp từ báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương.
Nhìn chung, việc triển khai thực hiện Chiến lược được thực hiện theo kế hoạch riêng của từng cơ quan Bộ hoặc từng địa phương hoặc lồng ghép nội dung SHTT trong các kế hoạch, chương trình, chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực ở địa phương, trong đó có lồng ghép với kế hoạch triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ (TSTT) đến năm 2030. Trong năm 2022, đã có 66 văn bản được các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành để triển khai thực hiện Chiến lược, trong đó có 30 Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, 36 Quyết định, Kế hoạch, Chương trình của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Nội dung các văn bản này liên quan đến các chính sách về phát triển TSTT, hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước, phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo, phát triển nông nghiệp, nông thôn và sản phẩm theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)...
Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chiến lược tiếp tục được thực hiện thường xuyên và đạt được kết quả tích cực, thể hiện ở việc ban hành một loạt các văn bản pháp luật về/liên quan đến SHTT (Luật, Nghị định, Thông tư, Nghị quyết, Quyết định), việc đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ hoạt động SHTT, thúc đẩy các tổ chức, cá nhân tạo lập và khai thác TSTT, hướng dẫn nghiệp vụ SHTT đối với tổ chức, cá nhân, đẩy mạnh cơ chế liên ngành trong QLNN và thực thi quyền SHTT...
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc Hội nghị SHTT năm 2022
b) Công tác xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn hoạt động QLNN về SHCN tại các địa phương
Năm 2022, cả nước có 39 địa phương ban hành tổng cộng 92 văn bản (gấp 2 lần so với năm 2021), hầu hết là văn bản hành chính liên quan đến việc hướng dẫn áp dụng pháp luật về SHTT và sáng kiến, cụ thể là các Kế hoạch, Đề án triển khai Chiến lược SHTT đến năm 2023, Kế hoạch thực hiện Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển TSTT đến năm 2030, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ TSTT, Quyết định về việc ban hành danh mục các sản phẩm chủ lực tỉnh... Có thể thấy công tác xây dựng văn bản là một trong những hoạt động nổi bật của các địa phương trong năm qua, tiếp tục góp phần tháo gỡ vướng mắc, khuyến khích hoạt động SHTT ở địa phương. Các địa phương có hoạt động mạnh trong công tác xây dựng văn bản hướng dẫn công tác QLNN về SHCN là Bắc Ninh (09 văn bản), Đà Nẵng, Bình Dương, Bắc Kạn, Hải Dương (05 văn bản).
2. Công tác tổ chức bộ máy, nhân sự, đào tạo cán bộ
a. Công tác tổ chức bộ máy, nhân sự
Về cơ bản, tổ chức bộ máy và nhân sự tại địa phương thực hiện công tác QLNN về SHCN tương đối ổn định. Hiện tại, cả nước vẫn chỉ có 02 Sở KH&CN có bộ phận độc lập chuyên trách quản lý về SHCN (Phòng SHTT) là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương còn lại chức năng quản lý SHTT được ghép chung với các lĩnh vực khác tại phòng Quản lý chuyên ngành hoặc phòng Quản lý công nghệ. Về nhân sự, số lượng cán bộ cả chuyên trách và kiêm nhiệm đều tăng so với năm 2021, cụ thể cả nước hiện có 52 cán bộ chuyên trách và 121 cán bộ kiêm nhiệm thực hiện công tác QLNN về SHCN tại địa phương (tăng 21% so với năm 2021, 38 cán bộ chuyên trách và 104 cán bộ kiêm nhiệm).
b. Công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về SHTT
Năm 2022, sau khi không còn bị hạn chế vì đại dịch Covid-19, công tác đào tạo, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách và pháp luật về SHTT đã được các địa phương quan tâm đẩy mạnh, đặc biệt nhiều địa phương đã có những cách thực hiện mới, hiệu quả như lồng ghép hoạt động này vào các hoạt động thuộc Chương trình OCOP, hình thức tổ chức đa dạng, phong phú, như tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, hội nghị, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài, website...), tổng số 60 hội thảo và 184 lớp tập huấn đã được các địa phương tổ chức với 116.806 lượt người tham dự (tăng hơn 3 lần so với năm 2021 về số lượng hội thảo và lớp tập huấn). Ngoài việc tập huấn, đào tạo kiến thức pháp luật về SHCN cho đối tượng là cán bộ quản lý tại các sở, ban, ngành,… nhiều địa phương đã mở rộng phạm vi các đối tượng được tập huấn, đào tạo như doanh nghiệp, sinh viên, nông dân… với các nội dung có tính chuyên sâu. Một số địa phương nổi bật trong hoạt động này như Bắc Ninh (16 hội thảo, 15 lớp tập huấn), Tuyên Quang (46 lớp tập huấn), Hưng Yên (14 lớp tập huấn), Nam Định (2 hội thảo, 10 lớp tập huấn), Bình Dương (1 hội thảo, 11 lớp tập huấn)…
3. Công tác thực thi quyền SHCN
Năm 2022, hoạt động xử lý xâm phạm quyền SHCN bằng biện pháp hành chính đã được các địa phương rất chú trọng thực hiện, điều này thể hiện ở việc tăng mạnh cả số vụ xử lý và số tiền phạt. Theo báo cáo của các địa phương, cả nước đã có có 1.430 vụ xâm phạm quyền về nhãn hiệu đã được xử lý với tổng số tiền phạt là hơn 18 tỉ đồng, tăng gần 30% về số vụ và 35% tổng số tiền phạt so với năm 2021 (1.109 vụ với tổng số tiền phạt là 13.294.029.000 đồng).
Hoạt động hỗ trợ thực thi quyền SHTT cũng đã được Cục SHTT quan tâm, đẩy mạnh thông qua việc cung cấp 219 ý kiến chuyên môn cho các cơ quan thực thi quyền; tham gia 09 vụ kiện tại tòa án và tham gia Ban thường trực Chương trình phối hợp hành động chống xâm phạm quyền SHTT quốc gia.
Trong tình hình hiện nay, khi tính hiệu quả của công tác thực thi quyền SHTT trong các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc đàm phán để ký kết đang có xu hướng đặt ra các yêu cầu ngày càng cao và khắt khe hơn, thì vấn đề cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống thực thi quyền SHTT của nước ta đang trở thành nhiệm vụ có tính cấp bách. Để làm được điều này đòi hỏi cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng các kiến thức chuyên môn về SHCN đối với cán bộ các cơ quan thực thi quyền SHCN, thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa các cơ quan thực thi quyền SHCN với nhau và với các cơ quan QLNN về SHCN ở cả trung ương và địa phương.
4. Công tác tư vấn và hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ (TSTT)
Các Sở KH&CN luôn là một địa chỉ tin cậy để người nộp đơn, doanh nghiệp đề nghị giúp đỡ, tư vấn hướng dẫn, hỗ trợ về các thủ tục xác lập quyền SHCN. Năm 2022, đã có gần 4.000 lượt cá nhân, tổ chức được các Sở KH&CN tư vấn, hướng dẫn về SHCN trong đó có 3.505 lượt về nhãn hiệu, 135 lượt về kiểu dáng công nghiệp, 100 lượt về sáng chế và hàng trăm lượt về các đối tượng khác. Một số địa phương đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong công tác này như Bình Dương, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Thái Bình…
Trong năm 2022, đã có 38 tỉnh, thành phố ban hành 57 văn bản thể hiện các cơ chế, chính sách phát triển tài sản trí tuệ dưới các hình thức khác nhau, 132 nhiệm vụ được các địa phương triển khai thực hiện với 118 sản phẩm đặc thù địa phương được hỗ trợ bảo hộ, quản lý quyền SHCN (21 chỉ dẫn địa lý, 52 nhãn hiệu chứng nhận và 45 nhãn hiệu tập thể), 268 doanh nghiệp và 320 tổ chức tập thể được hỗ trợ, gần 19.000 lượt người được tập huấn, đào tạo về SHTT.
Qua báo cáo của các địa phương cho thấy, hiện nhiều địa phương có nhu cầu tiếp tục được Cục SHTT hướng dẫn, hỗ trợ trong hoạt động đăng ký xác lập quyền trong và ngoài nước, quản lý và khai thác các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận dùng cho các đặc sản của địa phương; hỗ trợ địa phương được tham gia thực hiện các dự án trong khuôn khổ Chương trình Phát triển TSTT.
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí trao Giấy chứng nhận nhãn hiệu chứng nhận mận Sơn La, chanh leo Sơn La và bơ Sơn La cho Sở KH&CN tỉnh Sơn La
5. Công tác phát triển hoạt động sáng kiến, sáng tạo
Hoạt động thúc đẩy phong trào sáng kiến, sáng tạo được triển khai ở hầu hết các địa phương, chủ yếu dưới hình thức tổ chức các hội thi, trao giải thưởng sáng tạo kỹ thuật trên địa bàn tỉnh (thường niên hoặc 2 năm 1 lần). Trong năm 2022, đã có 18 Hội thi Sáng tạo kỹ thuật, 17 Hội thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng và 12 cuộc thi sáng tạo khác được các địa phương tổ chức với hàng nghìn giải pháp tham dự cùng hàng trăm giải thưởng được trao. Thông qua các hội thi đã ghi nhận được những thành quả sáng tạo của các tác giả góp phần cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, đem lại lợi ích kinh tế - xã hội.
Theo báo cáo từ các địa phương năm 2022, cả nước đã có 297.288 giải pháp được đề nghị công nhận sáng kiến, 50.905 sáng kiến được công nhận (tăng 13% so với năm 2021) trong đó 1.949 sáng kiến được công nhận phạm vi ảnh hưởng cấp tỉnh (tăng 32% so với năm 2021), tổng số tiền làm lợi do áp dụng sáng kiến là hơn 23 tỉ đồng, số tiền trả thù lao, trả thưởng cho các tác giả sáng kiến là hơn 120 triệu đồng và có 1.275 cán bộ được nâng lương trước thời hạn do có sáng kiến được công nhận. Có thể thấy trong thời gian qua, hoạt động sáng kiến trong cả nước đã thành một phong trào rộng khắp, thể hiện sức sáng tạo mạnh mẽ của người lao động Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục SHTT phát biểu tại buổi tập huấn về SHTT tại Đà Nẵng từ ngày 14-15/4/2022
6. Nhận xét chung
Công tác QLNN về SHCN của các địa phương trong năm 2022 đã đạt được những thành quả nhất định, trong đó có thể kể đến các mặt công tác đạt được hiệu quả tốt, như hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về SHCN (tăng hơn 3 lần so với năm 2021), hoạt động tư vấn, hướng dẫn việc đăng ký xác lập và bảo vệ quyền SHCN, công tác khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động sáng kiến, sáng tạo. Một số địa phương tiêu biểu như TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Cần Thơ, Đà Nẵng, Bình Dương, Sơn La, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Nam Định v.v. đã thực hiện công tác QLNN về SHCN đạt kết quả tốt.
Những kết quả trong năm 2022 cho thấy hoạt động QLNN về SHCN ở các địa phương đã đạt được một số thành tích nhất định, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, kết quả hoạt động nói chung vẫn không đồng đều và tại nhiều địa phương hoạt động này chưa phát huy tác dụng tương xứng với vị trí, vai trò của cơ quan lãnh đạo, điều hành hoạt động SHTT. Nhiều địa phương, nhất là ở những nơi mà hoạt động thị trường còn kém sôi động, hoạt động SHTT còn đơn giản, vai trò QLNN mờ nhạt, bị động, vẫn còn tình trạng trông chờ hoặc giẫm chân lên nhau giữa các cơ quan quản lý có liên quan. Năng lực, kiến thức chuyên môn về SHTT của các cơ quan thực thi quyền SHTT ở các địa phương còn bất cập, tình trạng lúng túng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, trông chờ, lệ thuộc vào ý kiến của cơ quan chuyên môn ở Trung ương còn phổ biến.
Phòng Pháp chế và Chính sách