Th 3, 21/05/2024 | 16:32 CH

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết Tương phản

Ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong quá trình khởi nghiệp

Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp là rất quan trọng.

Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Trong thời đại số như ngày nay, sự phát triển của các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI), Metaverse, Web 3.0, tiền điện tử (Stablecoin), mạng xã hội, truyền thông 6G, Big data, Blockchain và Internet of Things (IoT) đang thúc đẩy sự thay đổi toàn diện về cách thức quản lý, trao đổi và sử dụng thông tin. Đó là những công cụ quan trọng taọ ra những giải pháp, sản phẩm và dịch vụ mới. Có thể thấy công nghệ sẽ nâng cao chất lượng cạnh tranh, giải phóng sức lao động, mở ra khả năng sáng tạo không giới hạn đối với các sản phẩm dịch vụ.

 

Đội BK307 tại cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp (SV-Startup) 2023. [1]

 

Tại cuộc thi học sinh, sinh viên (SV-Startup 2023), sản phẩm của nhóm sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội liên quan đến dự án mô hình học máy sử dụng dữ liệu thu về từ cảm biến để theo dõi, cảnh báo sớm tình trạng cột antenna (ăng-ten) tại các trạm thu phát tín hiệu viễn thông (BTS) theo thời gian thực. Nhóm đã nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong  quá trình theo dõi, cảnh báo sớm tình trạng cột ăng-ten tại các trạm BTS.  Sản phẩm AutoAntenna có nhiều ưu điểm được kể đến như không trực tiếp can thiệp vào quá trình bảo trì, bảo dưỡng các trạm BTS. Nhờ tích hợp công nghệ AI, sản phẩm hỗ trợ quản lý dữ liệu các trạm BTS, giúp các đơn vị quản lý dễ dàng trong quá trình giám sát và bảo trì cột ăng-ten, từ đó, cảnh báo về những điểm dữ liệu bất thường xảy ra trong quá trình chạy thực tế của cột; gửi cảnh báo về nhân viên giám sát, hỗ trợ các kỹ sư đưa quyết định tối ưu hơn, tiết kiệm đáng kể chi phí bảo dưỡng so với cách làm thủ công hiện tại. Có thể thấy rằng đây là một sáng chế rất thiết thực, nhờ vận dụng tri thức của tuổi trẻ kết hợp với ứng dụng công nghệ mới đã tạo ra sản phẩm hướng đến phục vụ cộng đồng nói chung và góp phần xây dựng Tổ quốc ngày càng văn minh, hiện đại nếu khởi nghiệp thành công.

Thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0, hàng tỷ kết nối giữa con người với con người, con người với máy móc, máy móc với máy móc… làm thay đổi phương thức kinh doanh và tổ chức sản xuất. Ông Lê Quang Bình, Phó Giám đốc Công ty TNHH công nghệ thương mại Đức Tuấn, cho rằng: “Trước đây nếu doanh nghiệp muốn bán hàng thì phải mở cửa hàng, trưng bày các sản phẩm để mọi người nhìn thấy đến xem và mua. Còn hiện nay, chỉ cần lên internet, hàng triệu người có thể thấy sản phẩm của doanh nghiệp đang bán và cũng chỉ với một cú nhấp chuột là khách hàng có thể mua được sản phẩm. Chính vì vậy, doanh nghiệp phải có sự thay đổi, từ sản xuất, mẫu mã, marketing đến bán hàng, nhất là với doanh nghiệp startup, phải quan tâm và đề ra hướng đi phù hợp cho doanh nghiệp”.

Hiện nay với sự phát triển công nghệ như AI, Big data, Blockchain, IoT thì không chỉ các cá nhân khởi nghiệp sáng tạo mà các doanh nghiệp cũng phát triển một cách tối ưu. Với sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp startup đang từng ngày tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Việc phát triển và cạnh tranh giữa các start up trong thời gian tới tại Việt Nam sẽ tạo thêm lực đẩy, mang lại những công nghệ mới và mở ra sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Ngày 18/5/2016, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, qua đó cho thấy Nhà nước rất quan tâm và tạo điều kiện cho các cá nhân cũng như doanh nghiệp có cơ hội khởi nghiệp sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ. Cho đến nay, cả nước có gần 3800 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Khởi nghiệp sáng tạo là quá trình tạo ra sản phẩm, dịch vụ để phục vụ cộng đồng cũng như đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Với công nghệ hiện đại, phát triển như ngày nay việc đánh cắp ý tưởng, sản phẩm, dịch vụ là việc vô cùng dễ dàng. Vì vậy việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung là vô cùng quan trọng. Có nhiều doanh nghiệp startup đã chậm trễ trong việc xác lập quyền; không tra cứu đầy đủ để đảm bảo khả năng bảo hộ và không xâm phạm quyền đối với tài sản trí tuệ của người khác; không có đánh giá mang tính chuyên nghiệp về tài sản trí tuệ của mình. Ngoài ra, lại có một số startup xác định không đúng thời điểm để xác lập quyền sở hữu trí tuệ; không làm rõ về sản phẩm, dịch vụ của mình trong chuỗi giá trị liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ; không chú trọng tới việc đăng ký nhãn hiệu ngay từ đầu để phát triển thương hiệu…[2].

 

Ông Trần Giang Khuê - Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chia sẻ tại trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh

 

Đổi mới sáng tạo hiện thực hóa khát vọng hùng cường của Việt Nam

Trong bối cảnh mới, đổi mới sáng tạo đã được Đảng và Nhà nước xem là một trong những mục tiêu phát triển đến năm 2030 của Việt Nam. Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nắm bắt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hiện thực hóa khát vọng hùng cường. Theo chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã đóng góp tích cực vào việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân, an ninh lương thực, hạ tầng công nghệ thông tin... đồng thời góp phần thúc đẩy tăng trưởng trong xuất khẩu, nông nghiệp, công nghiệp, sinh học ở Việt Nam... Ngoài ra, nhiều tổ chức khoa học và công nghệ ở các lĩnh vực đã được hình thành, đặc biệt là việc xuất hiện một số viện nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ 4.0... Nguồn nhân lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được tăng cường và bước đầu đã có sự kết nối giữa đào tạo với nhu cầu của doanh nghiệp[3]. Bên cạnh đó, các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao và khu công nghệ thông tin đã có sự kết nối quốc tế đã được hình thành và phát triển trong cả nước. Đảng và Nhà nước rất quan tâm và đánh giá cao tầm quan trọng của hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, tại Đại hội XIII, Đảng đã khẳng định mục tiêu: “Xây dựng khung khổ pháp luật, môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; hỗ trợ, khuyến khích sự ra đời, hoạt động của những lĩnh vực mới, mô hình kinh doanh mới”. Nhằm hiện thức hoá mục tiêu trên, Nhà nước luôn ủng hộ, tạo mọi điều kiện, môi trường thuận lợi nhất cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh./.

Đoàn thanh niên Cục Sở hữu trí tuệ

[1] Thu Hằng (2023), Khởi nghiệp từ sáng tạo công nghệ 4.0, Báo Hà Nội mới, xem thêm tại: https://hanoimoi.vn/khoi-nghiep-tu-sang-tao-cong-nghe-4-0-623351.html

[2] Nguyễn Xuân Thành (2022), Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, giúp doanh nghiệp Việt phát triển bền vững, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, xem thêm tại: https://dangcongsan.vn/khoa-hoc/bao-ve-quyen-so-huu-tri-tue-giup-doanh-nghiep-viet-phat-trien-ben-vung-608767.html

[3] Nguyễn Chinh (2021), Hoàn thiện cơ chế chính sách để phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, xem thêm tại: https://mof.gov.vn/webcenter/portal/ttncdtbh/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM200391