CN, 25/04/2021 | 10:23 SA

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết Tương phản

Thông tin sở hữu công nghiệp đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) có tầm quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội và tài sản trí tuệ là một trong các công cụ giúp các SMEs tồn tại và phát triển.

1. Doanh nghiệp vừa và nhỏ với Thông tin Sở hữu công nghiệp
 
Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) có tầm quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội và tài sản trí tuệ là một trong các công cụ giúp các SMEs tồn tại và phát triển. Khi SMEs nắm giữ các quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) sẽ độc quyền khai thác và giành được các lợi thế vượt trội trong kinh doanh; Sự nắm giữ độc quyền này cũng giúp các SMEs bảo vệ được lợi ích từ việc đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và triển khai, qua đó kích thích đầu tư vào nghiên cứu tạo công nghệ mới, sản phẩm mới. Thông tin SHCN có vai trò quan trọng trong hoạt động tạo lập và khai thác tài sản trí tuệ, nó cung cấp cho SMEs các thông tin liên quan đến tình trạng kỹ thuật, pháp lý và kinh doanh về các đối tượng quyền SHCN, qua đó thúc đẩy phát triển các tài sản trí tuệ mới, công nghệ mới có tính sáng tạo, giúp SMEs tiếp cận nhanh hơn, mạnh hơn vào thị trường.
 
2. Thông tin sở hữu công nghiệp
 
Thông tin SHCN là thông tin đã được công bố trong tài liệu sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn (gọi chung là sáng chế), kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. Đó là các thông tin liên quan đến tình trạng kỹ thuật, pháp lý và kinh doanh về các đối tượng quyền SHCN, nó cũng bao gồm thông tin người nộp đơn, tác giả (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp), ngày nộp đơn, ngày ưu tiên. Về tình trạng kỹ thuật, đối với sáng chế là thông tin về các giải pháp chứa trong bản mô tả, hình vẽ minh họa, đối với kiểu dáng công nghiệp là thông tin chứa trong bản mô tả và ảnh chụp hoặc hình vẽ kiểu dáng đó; đối với nhãn hiệu là thông tin chứa trong mẫu nhãn hiệu và danh mục sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu. Về tình trạng pháp lý của văn bằng bảo hộ, thông tin cho biết đối tượng quyền SHCN đó có được cấp bằng bảo hộ hay không hoặc còn hay hết hiệu lực, hay đã bị hủy hiệu lực. Đối với sáng chế, nếu có, thì những quốc gia hay khu vực nào bằng độc quyền sáng chế đã được cấp và liệu bằng độc quyền sáng chế còn hay hết hiệu lực, hay đã bị hủy hiệu lực tại một quốc gia hoặc lãnh thổ nhất định. Ngoài ra, thông tin về phạm vi, yêu cầu bảo hộ giúp xác định tình trạng pháp lý liên quan đến đối tượng được yêu cầu bảo hộ và hình thức bảo hộ được yêu cầu và được cấp, cũng như giúp chủ thể quyền SHCN tiến hành thủ tục phản đối bảo hộ.
                    Giao diện màn hình tra cứu Wipopublish của Cục Sở hữu trí tuệ
 
3. Vai trò của thông tin sở hữu công nghiệp:
 
Thông tin sáng chế là một nguồn thông tin quan trọng đối với các nhà nghiên cứu, tác giả sáng chế, doanh nghiệp, cũng như các chuyên gia sáng chế. Thông tin sáng chế có thể hỗ trợ những người dùng: tránh những nỗ lực nghiên cứu và triển khai trùng lặp; xác định rõ khả năng bảo hộ của sáng chế; tránh xâm phạm độc quyền sáng chế của người khác; xác định được giá trị sáng chế của mình, cũng như của những người khác; khai thác công nghệ có trong đơn sáng chế không được cấp bằng độc quyền sáng chế hoặc không được bảo hộ độc quyền ở một số nước nhất định, hoặc bằng độc quyền sáng chế đã hết hiệu lực bảo hộ; thu thập thông tin về các hoạt động sáng tạo và định hướng kinh doanh của đối thủ cạnh tranh trong tương lai; nâng cao chất lượng của các quyết định kinh doanh, ví dụ, ký kết hợp đồng li-xăng, thiết lập quan hệ đối tác về công nghệ, mua lại và sáp nhập doanh nghiệp; xác định xu hướng phát triển chủ đạo của các lĩnh vực công nghệ cụ thể. 
 
Thông tin kiểu dáng công nghiệp là một nguồn thông tin quan trọng đối với các nhà nghiên cứu, tác giả sáng chế, doanh nghiệp, cũng như các chuyên gia sáng tạo trong việc tạo lập kiểu dáng, cũng như các đặc điểm tạo dáng nhằm thu hút người tiêu dùng. Thông tin kiểu dáng công nghiệp có thể hỗ trợ những người dùng: tránh những nỗ lực nghiên cứu và triển khai trùng lặp; xác định rõ khả năng bảo hộ của kiểu dáng công nghiệp; tránh xâm phạm độc quyền kiểu dáng công nghiệp của người khác; xác định được giá trị kiểu dáng công nghiệp của mình, cũng như của những người khác; thu thập thông tin về các hoạt động sáng tạo và định hướng kinh doanh liên quan đến đặc điểm tạo dáng thu hút người dùng của sản phẩm từ đối thủ cạnh tranh; nâng cao chất lượng của các quyết định kinh doanh; xác định xu hướng phát triển chủ đạo của các đặc điểm tạo dáng nhằm thu hút người tiêu dùng. 
 
Thông tin nhãn hiệu là một nguồn thông tin quan trọng đối với các nhà thiết kế, tạo lập nhãn hiệu. Nó có thể hỗ trợ những người dùng: tránh những nỗ lực tạo lập nhãn hiệu trùng lặp hoặc tương tự gây nhầm lẫn; xác định rõ khả năng bảo hộ của nhãn hiệu dự định đăng ký và sử dụng; tránh xâm phạm độc quyền nhãn hiệu của người khác khi sử dụng mà chưa được bảo hộ; thu thập thông tin về các hoạt động thương mại và định hướng kinh doanh (dòng sản phẩm mới, dịch vụ mới) của đối thủ cạnh tranh trong tương lai; nâng cao chất lượng của các quyết định kinh doanh, ví dụ, ký kết hợp đồng li-xăng, mua lại và sáp nhập doanh nghiệp. 
 
4. Cách thức khai thác thông tin sở hữu công nghiệp
 
i) Cách thức khai thác thông tin sáng chế
 
Thông tin sáng chế được đưa đến với công chúng thông qua các cơ sở dữ liệu. Mỗi cơ sở dữ liệu chứa một tập hợp các tư liệu sáng chế nhất định. Hiện tại, không có cơ sở dữ liệu nào chứa tất cả tư liệu sáng chế đã được công bố trên toàn thế giới từ trước đến nay. Hơn nữa, việc tra cứu tư liệu sáng chế sẽ cho phép người dùng tìm thấy các thông tin về xu hướng phát triển gần đây của một loạt lĩnh vực kỹ thuật. Trên thực tế, trong một số lĩnh vực công nghệ, những phát triển mới đầu tiên và đôi khi chỉ được bộc lộ trong tài liệu sáng chế. Vì vậy, có thể phải truy vấn nhiều cơ sở dữ liệu khác nhau để tìm ra và truy cập các tài liệu sáng chế mà người dùng quan tâm. Nhiều Cơ quan Sáng chế quốc gia và khu vực cho phép truy cập miễn phí các cơ sở dữ liệu sáng chế trực tuyến của họ, cũng như các tư liệu sáng chế chọn lọc từ các Cơ quan Sáng chế khác. Ví dụ về các cơ sở dữ liệu tra cứu miễn phí thông tin sáng chế như:
- Các thư viện số của Cục Sở hữu trí tuệ: http://iplib.noip.gov.vn,  http://wipopublish.noip.gov.vn/wopublish-search/public/patents;
- Công cụ tra cứu sáng chế của Tổ chức SHTT thế giới: http://patentscope.wipo.int/search/en/search.jsf;
- Công cụ tra cứu sáng chế của Cơ quan sáng chế châu Âu https://worldwide.espacenet.com;
- Công cụ tra cứu sáng chế của Cơ quan sáng chế Nhật Bản http://www.jpo.go.jp và http://aipn.ipdl.inpit.go.jp;
- Công cụ tra cứu sáng chế của Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ http://www.uspto.gov;
- Công cụ tra cứu sáng chế của Cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia Trung Quốc http://ww.sipo.gov.cn/sipo_English. 
 
Một số tổ chức thương mại hoặc phi lợi nhuận cũng cung cấp dịch vụ truy cập miễn phí vào các cơ sở dữ liệu thông tin sáng chế. Một số tổ chức thương mại đã xây dựng và cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng đối với việc truy cập thông tin này trên cơ sở khách hàng phải trả một khoản phí nhất định, kể cả dịch vụ cung cấp các bản dịch thông tin sáng chế và phân loại thêm một cách có hệ thống, ví dụ, thành phần và phản ứng hóa học hay các trình tự sinh học. Ngoài ra, các dịch vụ tra cứu chuyên nghiệp cũng được cung cấp nhằm thực hiện những tra cứu về tình trạng kỹ thuật cho người nộp đơn tiềm năng, và điều đó có thể là hữu ích nếu việc tra cứu ban đầu này không đem lại kết quả mong muốn. Danh sách các tổ chức cấp dịch vụ thông tin sáng chế có thể được tìm thấy tại: www.piug.org.
 
Việc tra cứu hiệu quả tư liệu sáng chế và các nguồn thông tin công nghệ khác thường đòi hỏi nền kiến thức vững về lĩnh vực kỹ thuật liên quan đến lĩnh vực sáng chế cần tìm. Người dùng cũng cần có sự hiểu biết về thuật ngữ và các vấn đề liên quan trong lĩnh vực này, đồng thời phải xác định được các trường tra cứu phù hợp. Các trường tra cứu có thể được sử dụng để tra cứu các sáng chế có liên quan là: từ khóa; phân loại sáng chế (IPC); ngày (ví dụ, ngày ưu tiên, ngày nộp đơn, ngày công bố, ngày cấp bằng); các số tham chiếu hay nhận dạng sáng chế (ví dụ, số đơn, số công bố, số bằng); tên người nộp đơn/người được chuyển nhượng hay tác giả sáng chế. Một lưu ý là các tiêu chí tra cứu khác nhau có thể được hỗ trợ bởi các dịch vụ tra cứu khác nhau; một số dịch vụ tra cứu có thể cho phép tra cứu tài liệu sáng chế ở phạm vi rộng, trong khi một số dịch vụ khác lại giới hạn các tiêu chí tra cứu. Ngoài ra, người dùng cũng cần có kỹ năng tra cứu nhất định. 
 
Ví dụ, khi tra cứu bằng từ khóa cần có kỹ năng tra cứu bằng cách sử dụng các từ khóa mô tả công nghệ hay về các vấn đề mà công nghệ sẽ giải quyết bằng cách sử dụng các công cụ như các từ khóa (toán tử Boolean): Các từ khóa có thể được kết hợp với nhau và/hoặc loại trừ nhau bằng cách sử dụng “toán tử Boolean”, như: “AND”, “ANDNOT” (hay đơn giản là “NOT”), “OR”, “XOR” và “NEAR”; Sử dụng ký tự cụt: các từ ngữ có thể được thông qua các ký tự cụt, nghĩa là cắt ngắn thuật ngữ gốc hay số lượng ký tự ban đầu, bằng cách rút gọn số lượng ký tự thông qua việc sử dụng toán tử đại diện, thường là dấu sao (*), dấu hỏi (?), ký hiệu đồng đôla ($), hay ký hiệu phần trăm (%), để làm tăng phạm vi kết quả tra cứu; Sử dụng toán tử lồng nhau. Sử dụng toán tử lồng nhau là việc sử dụng toán tử nhằm tổ chức các yêu cầu tra cứu để giải quyết các cú pháp tra cứu có thể gây ra sự nhầm lẫn; Sử dụng cụm từ. Nếu người dùng sử dụng một nhóm từ trong dấu ngoặc kép (“ ”) thì những từ nằm trong dấu ngoặc kép sẽ được coi là một thuật ngữ duy nhất. Điều này cho phép người dùng tra cứu một cụm từ gồm nhiều từ hơn là sử dụng từng từ cụ thể như những thuật ngữ riêng biệt. 
 
Một kỹ năng tra cứu nhằm bổ trợ cho tra cứu bằng từ khóa, đó là tra cứu theo phân loại sáng chế. Hệ thống phân loại sáng chế được sử dụng rộng rãi nhất là Hệ thống Phân loại sáng chế quốc tế (IPC). Thông tin thêm về Hệ thống IPC có thể được tìm thấy tại: www.wipo.int/classifications/ipc/en (bản tiếng Anh); www.ipvietnam.gov.vn (bản tiếng Việt). Hệ thống IPC bao trùm hầu hết mọi lĩnh vực công nghệ hiện tại. IPC thường xuyên được cập nhật để nâng cao chất lượng của Hệ thống này và đáp ứng sự phát triển của khoa học và công nghệ. Mỗi nhóm mô tả một lĩnh vực công nghệ cụ thể và được xác định bằng một “ký hiệu phân nhóm”, bao gồm một chuỗi con số và ký tự. Các ký hiệu của IPC có thể được tìm thấy trong dữ liệu thư mục có trong các tài liệu sáng chế đã được công bố. Hệ thống IPC được tổ chức theo cấu trúc thứ bậc. Từ bậc cao nhất đến bậc thấp nhất, bao gồm: phần, lớp, phân lớp và nhóm (nhóm chính và phân nhóm). Mỗi phần đều có tiêu đề và mã ký tự như sau A (Các nhu cầu của đời sống của con người); B (Các quy trình công nghệ; Giao thông vận tải); C (Hóa học và luyện kim); D (Dệt; Giấy); E (Xây dựng; Mỏ); F (Cơ khí; Chiếu sáng; Cấp nhiệt; Vũ khí; Kỹ thuật nổ); G (Vật lý); H (Điện).
 
ii) Cách thức khai thác thông tin kiểu dáng công nghiệp
 
Thông tin kiểu dáng công nghiệp được đưa đến với công chúng thông qua một loạt cơ sở dữ liệu. Mỗi cơ sở dữ liệu chứa một tập hợp các tư liệu kiểu dáng công nghiệp nhất định. Hiện tại, không có cơ sở dữ liệu nào chứa tất cả tư liệu kiểu dáng công nghiệp đã được công bố trên toàn thế giới từ trước đến nay. Vì vậy, có thể phải truy vấn nhiều cơ sở dữ liệu khác nhau để tìm ra và truy cập các tài liệu kiểu dáng công nghiệp mà người dùng quan tâm như:
- Các thư viện số của Cục Sở hữu trí tuệ http://iplib.noip.gov.vn, http://wipopublish.noip.gov.vn/wopublish-search/public/designs;
- Trong trường hợp cần thiết và có thể thực hiện được, việc tra cứu được mở rộng như sử dụng google image, truy cập các trang web của các Tổ chức, cơ quan SHTT trên thế giới như Cơ quan SHTT Australia http://pericles.ipaustralia.gov.au/adds2/adds.adds_simple_search.paint_simple_search; Cơ quan SHTT HongKong http://ipsearch.ipd.gov.hk/design/main.jsp?LANG=en; Asean Designview http://www.asean-designview.org/designview/welcome  v.v..
 
Việc tra cứu hiệu quả tư liệu kiểu dáng công nghiệp thường đòi hỏi nền kiến thức vững về lĩnh vực kỹ thuật liên quan, cũng như cần có kỹ năng tra cứu nhất định đến kiểu dáng công nghiệp cần tìm. Người dùng cũng cần có sự hiểu biết về thuật ngữ và các vấn đề liên quan trong lĩnh vực này, đồng thời phải xác định được các trường tra cứu phù hợp. Các trường tra cứu có thể được sử dụng để tra cứu các kiểu dáng công nghiệp có liên quan là: từ khóa tên kiểu dáng công nghiệp; phân loại kiểu dáng công nghiệp (phân loại Locarno); ngày (ví dụ, ngày ưu tiên, ngày nộp đơn, ngày công bố, ngày cấp bằng); các số tham chiếu hay nhận dạng kiểu dáng công nghiệp (ví dụ, số đơn, số công bố, số bằng); tên người nộp đơn/người được chuyển nhượng hay tác giả kiểu dáng công nghiệp. 
 
iii) Cách thức khai thác thông tin nhãn hiệu
 
Để tra cứu thông tin nhãn hiệu, người dùng cần truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia về nhãn hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ như: http://iplib.noip.gov.vn; http://wipopublish.noip.gov.vn/wopublish-search/public/trademarks; Đồng thời, để tra cứu nhãn hiệu theo hệ thống Madrid để tra cứu các đơn nhãn hiệu quốc tế có chỉ định Việt Nam, người dùng cần sử dụng công cụ tra cứu của Tổ chức SHTT thế giới: www3.wipo.int/madrid/monitor/en.
 
Việc tra cứu hiệu quả tư liệu nhãn hiệu đòi hỏi nền kiến thức về nhãn hiệu như dấu hiệu được và không được bảo hộ nhãn hiệu với danh nghĩa là nhãn hiệu; khả năng phân biệt của các dấu hiệu đăng ký bảo hộ (đánh giá khả năng phân biệt của các loại dấu hiệu chữ, dấu hiệu hình, dấu hiệu kết hợp theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ); đánh giá sự tương tự của nhãn hiệu tra cứu với nhãn hiệu đối chứng tìm được (đánh giá sự tương tự về dấu hiệu; đánh giá sự tương tự về sản phẩm, dịch vụ mang dấu hiệu). Việc tra cứu nhãn hiệu cũng đòi hỏi người dùng có kỹ năng tra cứu, với sự hiểu biết nhất định về Bảng phân loại quốc tế về hàng hóa và dịch vụ (Bảng phân loại Nixơ), Bảng phân loại các yếu tố hình của nhãn hiệu (Bảng phân loại Viên) để  xác định được các kiểu tra cứu, trường tra cứu hoặc có thể sử dụng kết hợp các trường tra cứu này một cách phù hợp. Thông tin thêm về Bảng phân loại Nixơ và Bảng phân loại Viên có thể được tìm thấy tại: www.ipvietnam.gov.vn. Các trường tra cứu có thể được sử dụng để tra cứu nhãn hiệu là: từ khóa nhãn hiệu; phân loại Nixơ; phân loại Viên; ngày (ví dụ, ngày ưu tiên, ngày nộp đơn, ngày công bố, ngày cấp bằng); các số tham chiếu hay nhận dạng nhãn hiệu (ví dụ, số đơn, số công bố, số bằng); tên người nộp đơn; tên chủ nhãn hiệu đã được bảo hộ.
 
5. Kết luận
 
Việc tra cứu hiệu quả thông tin SHCN đòi hỏi nền kiến thức vững về đối tượng cần tìm. Người dùng cũng cần có sự hiểu biết về thuật ngữ và các vấn đề liên quan trong lĩnh vực này, xác định được các trường tra cứu phù hợp; nắm được kỹ năng tra cứu bằng từ khóa, tra cứu theo phân loại IPC (đối với sáng chế), phân loại Locarno (đối với kiểu dáng công nghiệp), phân loại Nixơ và phân loại Viên (đối với nhãn hiệu); đồng thời, có kỹ năng tra cứu kết hợp giữa các trường tra cứu. 
 
Để phát huy quyền SHCN như là một công cụ đắc lực, động lực phát triển kinh tế, việc khai thác thông tin SHCN luôn gắn với mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của SMEs, đồng thời trước khi lựa chọn và truy cập vào cơ sở dữ liệu tương ứng, các SMEs cũng cần nhận diện rõ các đối tượng SHCN nào cần tra cứu, khai thác thông tin (nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp hoặc sáng chế); xác định rõ mục đích tra cứu (tra cứu phục vụ việc tạo lập tài sản trí tuệ hoặc là phục vụ các mục đích khác).
 
Tài liệu tham khảo
Tiếng Việt
1. Kamil Idris (2003), Sở hữu trí tuệ - Một công cụ đắc lực để phát triển kinh tế, Cục Sở hữu trí tuệ biên dịch “Intellectual Property: A Power Tool for Economic Growth” và xuất bản.
2. Shahid Alikhan (2000), Lợi ích kinh tế - xã hội của việc bảo hộ sở hữu trí tuệ ở các nước đang phát triển, Cục Sở hữu trí tuệ biên dịch “Socio-economic benefits of intellectual property protection in developing countries” và xuất bản.
3. WIPO (2001), Cẩm nang Sở hữu trí tuệ: Chính sách, Pháp luật và Áp dụng, Cục Sở hữu trí tuệ biên dịch “Intellectual Property Handbook: Policy, Law and Use” và xuất bản.
4. WIPO (2013), Hướng dẫn sử dụng thông tin sáng chế, Cục Sở hữu trí tuệ biên dịch “WIPO Guide to Using Patent Information”.
Tiếng Anh
5. WIPO (2009), Guide to Technology Databases, WIPO Publication 2009.
6. WIPO (2015), PATENTSCOPE Search The User's Guide, WIPO Publication 2015.
7. WIPO (2015), WIPO Guide to Using Patent Information, WIPO Publication 2015.
 
 
Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn


Tin mới nhất