Th 7, 30/09/2023 | 14:47 CH
Hội thảo Pháp luật sở hữu trí tuệ - thay đổi để thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Ngày 27/9/2023, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) phối hợp cùng Dự án IP Key SEA tổ chức Hội thảo với chủ đề “Pháp luật SHTT- thay đổi để thúc đẩy đổi mới sáng tạo” với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Cục SHTT, Cục Bản quyền tác giả, Bộ phận hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực Đông Nam Á và gần 50 đại biểu đến từ các doanh nghiệp, tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp (SHCN) và các tổ chức giáo dục của Việt Nam.
Hội thảo được tổ chức với mục đích hỗ trợ các chủ thể quyền nắm bắt những điểm mới trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT được ban hành vào tháng 6/2022, đặc biệt là những quy định mới để thi hành cam kết theo các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia ký kết gần đây như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Ông Nguyễn Văn Bảy – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ nhấn mạnh Luật SHTT là văn bản pháp luật quan trọng, tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân xác lập, khai thác và bảo vệ quyền SHTT, góp phần khuyến khích hoạt động sáng tạo, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Với việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT, có thể nói hệ thống pháp luật SHTT của Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, cũng như các cam kết trong các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP. Và để những quy định pháp luật có thể được áp dụng và thực thi một cách hiệu quả, việc phổ biến chính sách, pháp luật sở hữu trí tuệ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý nhà nước, luôn được Cục SHTT chú trọng.
Ông Carsten Schittek, Đại diện phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam
Về phía đại diện phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Ông Carsten Schittek cũng đề cao vai trò, tầm quan trọng của SHTT nói chung và hệ thống pháp luật SHTT nói riêng với sự phát triển của khoa học công nghệ và năng lực đổi mới sáng tạo của quốc gia. Ông đánh giá cao những sửa đổi, bổ sung theo hướng nội luật hóa các cam kết SHTT trong Luật SHTT của Việt Nam và kỳ vọng những thay đổi này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quá trình đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu và hoạt động khai thác, bảo vệ quyền của doanh nghiệp Việt Nam.
Tại Hội thảo, các diễn giả của Cục SHTT và Cục Bản quyền tác giả đã giới thiệu tổng quan về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT và phân tích những điểm mới của Luật theo từng đối tượng từ quyền tác giả và quyền liên quan đến các đối tượng SHCN như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và những quy định mới trong thực thi quyền SHTT. Bên cạnh việc tuyên truyền các chính sách, pháp luật mới, các đại biểu cũng được cung cấp thêm các thông tin, đánh giá về những tác động của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT đến doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam do đại diện Bộ phận hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực Đông Nam Á (South-East Asia IP SME Helpdesk) trình bày.
Toàn cảnh Hội thảo
Trong phần thảo luận, các đại biểu đã dành nhiều thời gian trao đổi và làm rõ các quy định liên quan đến chính sách mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT về đại diện, giám định SHCN và các nội dung về bảo vệ quyền SHTT. Hội thảo kết thúc với sự đánh giá tích cực của các đại biểu và chuyên gia.
Nhằm nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý về SHTT đồng bộ với các văn bản pháp luật hiện hành, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2023/NĐ-CP (Nghị định) nhằm quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật SHTT về SHCN, bảo vệ quyền SHCN, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về SHTT. Với các hướng dẫn chi tiết, đơn giản hóa thủ tục hành chính ở mức tối đa, đảm bảo tính nhất quán trong áp dụng, Nghị định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong hoạt động bảo vệ và thực thi quyền SHTT, góp phần tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho đổi mới sáng tạo và tăng trưởng kinh tế.
TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU, ĐÀO TẠO VÀ HỖ TRỢ, TƯ VẤN
Tin mới nhất
- Hội thảo khoa học về Sở hữu trí tuệ và Quản lý tài sản trí tuệ tại Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh
- Trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức Lễ Bế giảng khoá đào tạo chuyên sâu về sở hữu trí tuệ năm 2023 - 2024
- Khai giảng và tổ chức khóa đào tạo chuyên sâu về kỹ năng xác lập quyền đối với nhãn hiệu (tháng 9/2024)
- Diễn đàn đổi mới sáng tạo mở và sáng chế phục vụ phát triển ngành Y dược và công nghệ sinh học Việt Nam
- Thông báo Mở khóa đào tạo trực tuyến Tổng quan về Sở hữu trí tuệ năm 2024 (đợt 2)
Các tin khác
- Tăng 2 bậc, Việt Nam xếp thứ 46 chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2023
- Nghị định hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi: Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp
- Thông báo Tổ chức các Khóa đào tạo về sở hữu trí tuệ dành cho doanh nghiệp năm 2023
- [TISC] Khung mẫu tham khảo Chính sách Quản trị Tài sản trí tuệ trong các viện nghiên cứu, trường đại học
- Cục Sở hữu trí tuệ kỷ niệm 41 năm thành lập