Th 3, 31/10/2023 | 09:50 SA

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết Tương phản

Hội thảo “Sử dụng hệ thống Madrid để đăng ký quốc tế nhãn hiệu”

Ngày 27/10/2023, Cục Sở hữu trí tuệ đã tổ chức Hội thảo “Sử dụng hệ thống Madrid để đăng ký quốc tế nhãn hiệu”. Đây là một trong các hoạt động nhằm triển khai Kế hoạch số 3926/KH-BKHCN-BCT-BNNPTNT ngày 31/12/2021 về phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2022 - 2025 giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của khoảng 130 đại biểu đến từ các Sở KH&CN của 35 tỉnh/thành phố trên cả nước, các doanh nghiệp, tập đoàn đã và đang có hoạt động đăng ký sở hữu công nghiệp sôi động trong và ngoài nước, các tổ chức đại diện SHCN.

Hoạt động đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài không ngừng gia tăng trong những năm gần đây. Theo con số thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, số lượng đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam qua Hệ thống Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu liên tục tăng, lượng đơn năm 2020 đã tăng hơn 150% so với năm 2015. Trong năm 2022, Cục SHTT tiếp nhận 294 đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam, tăng 16,2% so với năm 2021 (253 đơn). Không chỉ gia tăng về số lượng đơn, số lượng nước được chỉ định trong đơn cũng nhiều hơn. Đã có những đơn chỉ định trên 50 nước. Các thị trường được các doanh nghiệp đăng ký nhiều bao gồm: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc... Danh mục hàng hóa, dịch vụ được các doanh nghiệp đăng ký cũng đa dạng hơn. Ngoài các sản phẩm, dịch vụ truyền thống của Việt Nam như: nông sản, thực phẩm...., trong những năm gần đây có nhiều doanh nghiệp đã đăng ký các sản phẩm, dịch vụ có tính cạnh tranh cao với các doanh nghiệp nước ngoài như: mỹ phẩm, công nghệ, thiết bị y tế....

Tuy nhiên, con số nói trên vẫn còn khá khiêm tốn so với hoạt động xuất nhập khẩu sôi động và tăng trưởng hàng năm của các doanh nghiệp Việt Nam. Một phần nguyên nhân của thực trạng này là các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa nắm bắt đầy đủ thông tin về các quy định pháp luật trong bảo hộ nhãn hiệu ở các thị trường xuất khẩu mục tiêu và các hệ thống quốc tế, cũng như thiếu kỹ năng, kinh nghiệm trong bảo hộ và sử dụng nhãn hiệu ở nước ngoài.

Hội thảo “Sử dụng hệ thống Madrid để đăng ký quốc tế nhãn hiệu” được tổ chức là một trong những nỗ lực nhằm tăng cường hiểu biết của các doanh nghiệp Việt Nam về  công cụ pháp lý hữu ích, tạo điều kiện thuận lợi cho những doanh nghiệp có kế hoạch đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài, đó là  Thoả ước và Nghị định thư Madrid về Đăng ký quốc tế nhãn hiệu. Vận hành hai văn bản này là một hệ thống do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) quản lý, với mục đích đơn giản hoá, hỗ trợ người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu có thể đăng ký nhãn hiệu tại các quốc gia thành viên của hệ thống Madrid chỉ bằng một quy trình.  Hệ thống Madrid ngay sau khi được thiết lập đã nhận được sự hưởng ứng của các quốc gia trên thế giới, trở thành một hệ thống đăng ký quốc tế dành cho đối tượng sở hữu công nghiệp có số lượng lớn quốc gia thành viên. Tính đến ngày 01/8/2023, Liên minh Madrid đã có 114 thành viên (bao gồm 130 nước), chiếm 80% kim ngạch thương mại toàn cầu. Việt Nam gia nhập Thoả ước Madrid từ ngày 08/3/1949 và Nghị định thư Madrid vào ngày 11/7/2006.

Tại Hội thảo, các diễn giả đã lần lượt giới thiệu về những lợi ích và hạn chế của hệ thống Madrid, những điểm cần lưu ý để sử dụng hệ thống một cách có lợi nhất, các quy trình, thủ tục cần thiết. Với những lợi ích như: (i) đơn giản và tiết kiệm trong giai đoạn nộp đơn, người nộp đơn chỉ phải nộp một đơn duy nhất bằng một ngôn ngữ duy nhất, trả bằng một đồng tiền tệ duy nhất cho một cơ quan duy nhất, tiết kiệm chi phí trong trường hợp chỉ định nhiều bên tham gia; (ii) đơn giản và tiết kiệm trong quản lý nhãn hiệu, thủ tục sau bảo hộ, chỉ tiến hành một thủ tục duy nhất và có hiệu lực ở nhiều nước; (iii) đơn luôn được xử lý đúng hạn (12 hoặc 18 tháng); và (iv) dễ dàng mở rộng lãnh thổ bảo hộ vào các thị trường mới, hệ thống Madrid là một công cụ pháp lý rất cần thiết phải tính tới khi doanh nghiệp xây dựng kế hoạch đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài. Tuy nhiên, hệ thống Madrid không phải không có những bất lợi. Sự khác biệt trong các quy định pháp luật quốc gia của các nước thành viên của hệ thống khiến người nộp đơn cần có sự để ý kỹ lưỡng, nhằm đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định đặt ra trong quá trình nộp đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế vào từng quốc gia chỉ định của hệ thống.

Cùng với những chia sẻ về quá trình xây dựng các chiến lược, phương án đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài, những khó khăn vướng mắc và kinh nghiệm giải quyết đến từ diễn giả luật sư và cố vấn pháp lý của doanh nghiệp, Hội thảo đã cung cấp một cách đầy đủ những thông tin cần thiết nhất cho doanh nghiệp và các nhóm chủ thể liên quan khi cân nhắc sử dụng hệ thống Madrid để đăng ký nhãn hiệu quốc tế./.

 

 

Một số hình ảnh Hội thảo:

Ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục SHTT khai mạc Hội thảo

 

Hình ảnh các diễn giả trình bày và thảo luận tại Hội thảo

 

Đông đảo đại biểu tham dự Hội thảo trên nền tảng trực tuyến

 

 

Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn