Th 2, 17/01/2022 | 13:56 CH

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết Tương phản

Hợp tác quốc tế về Sở hữu trí tuệ năm 2021: Nỗ lực vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 lên công tác đối ngoại, trong năm 2021, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã chủ động, linh hoạt khắc phục khó khăn, tích cực phối hợp với các đối tác nước ngoài để triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế theo kế hoạch và tiến độ được giao, từ đó hỗ trợ hiệu quả cho công tác chuyên môn của Cục, sự phát triển của hệ thống và nhiệm vụ hội nhập quốc tế.

 

Duy trì kết nối trong đại dịch
 
Một trong những khó khăn lớn nhất đó là đại dịch đã ngăn trở các hoạt động giao thương và gặp gỡ trực tiếp. Từ kinh nghiệm của năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã nhanh chóng thích nghi và tổ chức các cuộc họp trực tuyến thay thế ở cả cấp cao và cấp kỹ thuật. Thông qua những cuộc họp này Lãnh đạo Cục SHTT và Lãnh đạo một số cơ quan SHTT các nước như Cơ quan Sở hữu trí tuệ châu Âu (EUIPO), Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO), Cơ quan Sở hữu trí tuệ Singapore (IPOS), Cơ quan Sở hữu trí tuệ Philippines (IPOPhil)… đã chia sẻ các biện pháp mà mỗi cơ quan triển khai để duy trì hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ cũng như ứng phó với đại dịch COVID-19 trong cung cấp dịch vụ công về sở hữu trí tuệ, đồng thời rà soát và xây dựng kế hoạch hợp tác phù hợp với tình hình mới.
 
Cũng nhờ sự chủ động trong hoạt động đối ngoại trực tuyến, ở quy mô khu vực, Cục Sở hữu trí tuệ hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch Nhóm Công tác về Hợp tác Sở hữu trí tuệ các nước ASEAN (AWGIPC) nhiệm kỳ 2019-2021 – dù đây là lần đầu tiên Việt Nam đảm nhiệm vai trò này kể từ khi tham gia AWGIPC. Trong nhiệm kỳ này, Việt Nam đã chủ trì và đồng chủ trì thành công tất cả các sự kiện trực tiếp và trực tuyến của AWGIPC, gồm các cuộc họp của AWGIPC: AWGIPC 59 (Solo, Indonesia, tháng 7/2019); AWGIPC 60 (Baguio, Philippines, tháng 11/2019), Cuộc họp đặc biệt của AWGIPC (tháng 7/2020); AWGIPC 61 (tháng 9/2020); AWGIPC 62 (tháng 11/2020) và AWGIPC 63 (tháng 3/2021), cùng gần 40 cuộc họp trực tuyến khác.
     
Ở quy mô quốc tế, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã tích cực tham dự đầy đủ các phiên họp của các Cơ quan điều hành, Ủy ban chuyên môn của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) theo hình thức trực tuyến như Đại hội đồng WIPO, Ủy ban Chương trình và Ngân sách, Ủy ban Phát triển và Sở hữu trí tuệ,v.v. Đáng chú ý, Cục Sở hữu trí tuệ đã hoàn tất thủ tục gia nhập Hiệp ước Budapest về sự công nhận quốc tế đối với việc nộp lưu chủng vi sinh nhằm tiến hành các thủ tục về sáng chế (Hiệp ước Budapest bắt đầu có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 01/6/2021) cũng như phối hợp với WIPO triển khai nhiều hoạt động hợp tác kỹ thuật khác.
 
Bên cạnh những phiên họp chung, Cục Sở hữu trí tuệ đồng thời cũng tích cực phối hợp chặt chẽ với các đối tác nước ngoài triển khai các dự án đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng kế hoạch đề ra đóng góp vào quá trình hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực tự động hóa quản trị sở hữu công nghiệp của Cục Sở hữu trí tuệ, như Hệ thống tự động hóa quản trị sở hữu công nghiệp (WIPO IPAS), Dự án Số hóa tài liệu sở hữu công nghiệp (với sự trợ giúp của WIPO), Dự án thí điểm của WIPO về “Hỗ trợ các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ SHTT cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo định hướng công nghệ của Việt Nam”, Dự án Thực thi Hiệp định CTPPP trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ với Canada; Dự án Nâng cao năng lực xử lý đơn sở hữu công nghiệp tại Cục Sở hữu trí tuệ với Nhật Bản,…
 
Với mong muốn nâng cao năng lực cho cán bộ của Cục và các cơ quan liên quan, Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp với các đối tác nước ngoài như Cơ quan Sáng chế Châu Âu (EPO), Cơ quan Sở hữu trí tuệ Châu Âu (EUIPO), Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO), Cơ quan Sở hữu trí tuệ Vương quốc Anh (UKIPO), Cơ quan Sở hữu trí tuệ Singapore (IPOS),… tổ chức các hội thảo, khóa đào tạo hiệu quả. 
 
 
Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam phát biểu tại Lễ chuyển giao vị trí Chủ tịch Nhóm AWGIPC cho Philippines
 
 
Song song với các hoạt động trực tuyến, cũng trong năm 2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và làm việc tại WIPO trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước tại Thụy Sĩ. Chủ tịch nước và Tổng Giám đốc WIPO đã trao đổi và thống nhất định hướng hợp tác của hai bên trong thời gian tới, trong đó chú trọng vào việc triển khai Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia và thi hành Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi, bổ sung năm 2022). Cùng tham gia Đoàn công tác, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã có bài phát biểu tại WIPO nhằm khuyến khích thanh niên tham gia hoạt động sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo, hưởng ứng các sáng kiến do WIPO khởi xướng trên toàn cầu.
 
 
 
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt và đoàn cán bộ cấp cao Việt Nam thăm Trụ sở WIPO (Nguồn: most.gov.vn)
 
       
‘Tấm vé thông hành’ cho nông sản Việt
 
Công tác hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân của Việt Nam trong bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài đòi hỏi vai trò rất lớn của Cục Sở hữu trí tuệ. Trong năm 2021, Cục đã kết thúc Dự án đăng ký bảo hộ 03 chỉ dẫn địa lý Việt Nam tại Nhật Bản với kết quả là Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý đã được Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp Nhật Bản cấp cho vải thiều Lục Ngạn ngày 12/3/2021 và thanh long Bình Thuận ngày 07/10/2021; hai chỉ dẫn địa lý của Nhật Bản đã được Cục cấp văn bằng bảo hộ là thịt bò lông đen Kagoshima ngày 25/12/2020 và quả hồng khô Ichida ngày 14/6/2021. 
 
Việc được cấp chỉ dẫn địa lý ở thị trường “khó tính” hàng đầu thế giới như Nhật Bản sẽ góp phần nâng cao danh tiếng của thanh long Bình Thuận và vải thiều Lục Ngạn, tạo điều kiện thuận lợi cho hai mặt hàng nông sản này khi bước sang các thị trường khác. Với ý nghĩa quan trọng đó, sự kiện đã được Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam bình chọn là một trong mười sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật năm 2021. 
 
Bên cạnh đó, Cục cũng đã phối hợp với Hiệp hội Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc - KIPA hoàn thành thủ tục kết thúc Dự án Thiết kế biểu tượng Chỉ dẫn địa lý quốc gia, từ đó tiếp tục theo dõi kết quả KIPA phê duyệt hỗ trợ đối với đề xuất dự án bếp lò đun tạo nước nóng của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai, đồng thời giới thiệu đề xuất dự án mới cho giai đoạn tiếp theo để KIPA xem xét... Những dự án này góp phần nâng cao thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp và thủ công nghiệp của Việt Nam, tạo tiền đề cho các sản phẩm tiếp cận được với thị trường nước ngoài.     
 
Thông tin công bố về vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang của Việt Nam được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 107 tại Nhật Bản.
Thông tin công bố về thanh long Bình Thuận của Việt Nam được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 110 tại Nhật Bản.
 
Năm 2021 đã đi qua với nhiều khó khăn, thách thức khách quan đối với hoạt động hợp tác quốc tế của Cục Sở hữu trí tuệ. Mặc dù vậy, Cục Sở hữu trí tuệ đã nỗ lực, chủ động thích ứng, đưa hoạt động hợp tác quốc tế góp phần vào thành công chung của Cục và hoạt động đối ngoại của đất nước. Hy vọng trong năm 2022, hoạt động hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ sẽ sôi động trở lại, hỗ trợ nâng cao năng lực của Cục Sở hữu trí tuệ và của cả hệ thống sở hữu trí tuệ, từng bước hài hòa hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam với khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
 
Phòng Hợp tác quốc tế